Trong cuộc họp báo hôm 14/10, cảnh sát Hồng Kông đã thông báo về việc bắt giữ hơn 20 thành viên của đường dây lừa đảo nhắm vào những người đàn ông từ Đài Loan đến Singapore và xa tận Ấn Độ.
Cảnh sát cho biết, 21 người đàn ông và 6 người phụ nữ đã bị bắt giữ vì các cáo buộc bao gồm âm mưu lừa đảo sau cuộc đột kích vào trung tâm hoạt động được cho là của băng đảng này tại một địa điểm rộng 370 m2 ở quận Hung Hom.
Những nghi phạm này ở độ tuổi từ 21 đến 34, phần lớn là những người có học vấn cao. Nhiều người trong số họ tốt nghiệp ngành truyền thông kỹ thuật số và công nghệ - đã được băng đảng này tuyển dụng sau khi theo học tại các trường đại học địa phương.
Cảnh sát cho biết thêm, những nghi phạm này được cho là đã làm việc với các chuyên gia công nghệ thông tin ở nước ngoài để xây dựng một nền tảng tiền điện tử giả, nơi các nạn nhân bị ép buộc đầu tư.
Theo cảnh sát Hồng Kông, trò lừa deepfake của băng nhóm này thường bắt đầu bằng một tin nhắn văn bản, trong đó người gửi - đóng giả là một phụ nữ hấp dẫn - cho biết họ đã vô tình thêm nhầm số.
Những kẻ lừa đảo sau đó bắt đầu mối quan hệ lãng mạn trực tuyến với nạn nhân, vun đắp cảm giác thân mật cho đến khi họ bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai bên nhau.
Nhóm này được tổ chức rất chặt chẽ, chia thành các phòng ban chịu trách nhiệm cho các giai đoạn khác nhau của vụ lừa đảo, cảnh sát cho biết. Họ thậm chí còn sử dụng một hướng dẫn đào tạo để dạy các thành viên cách thực hiện vụ lừa đảo bằng cách lợi dụng "sự chân thành và cảm xúc của nạn nhân".
Các bước này là tìm hiểu về thế giới quan của nạn nhân để tạo ra một nhân vật “đo ni đóng giày”; bịa ra những khó khăn như các mối quan hệ hoặc doanh nghiệp đổ vỡ để “làm sâu sắc thêm lòng tin của người khác”; và cuối cùng, vẽ ra một “tầm nhìn tươi đẹp” bao gồm cả kế hoạch du lịch cùng nhau để thúc đẩy nạn nhân đầu tư.
Vụ lừa đảo diễn ra trong khoảng 1 năm trước khi cảnh sát nhận được thông tin tình báo về vụ việc vào khoảng tháng 8, cảnh sát cho biết. Hơn 100 điện thoại di động, số tiền tương đương gần 26.000 đô la tiền mặt và một số đồng hồ xa xỉ đã được thu hồi trong cuộc đột kích, cảnh sát cho biết.
Deepfake bao gồm video, âm thanh và nội dung giả mạo thực tế khác được tạo ra với sự trợ giúp của AI. Công nghệ này đang ngày càng được nhiều kẻ xấu áp dụng, từ những người muốn truyền bá thông tin sai lệch có sức thuyết phục đến những kẻ lừa đảo trực tuyến.
Các vụ lừa đảo này thường do các băng đảng Trung Quốc ở Đông Nam Á điều hành. Hiện vẫn chưa rõ loại tội phạm này lan rộng đến mức nào ở Hồng Kông.