Động thái này đang làm dấy lên nhiều tranh cãi khi chạm đến những vấn đề nhạy cảm như quyền riêng tư và tự do ngôn luận.
Theo thông báo công bố ngày 5/3, DHS cho biết việc thu thập thông tin mạng xã hội sẽ giúp thiết lập “tiêu chuẩn sàng lọc thống nhất” nhằm phát hiện các mối đe dọa an ninh quốc gia, ngăn chặn hành vi gian lận, đánh cắp danh tính và đảm bảo rằng người nhập cư không cổ xúy tư tưởng chống Mỹ. Đây là một phần trong việc thực thi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tăng cường kiểm soát nhập cư để bảo vệ an ninh công cộng.
Dự thảo quy định mới yêu cầu người nộp hồ sơ xin các quyền lợi nhập cư – bao gồm thẻ xanh, nhập tịch, tị nạn – phải cung cấp tên tài khoản và nền tảng mạng xã hội từng sử dụng trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, DHS khẳng định sẽ không yêu cầu cung cấp mật khẩu hoặc truy cập tài khoản cá nhân.

Hiện tại, quy định này chỉ áp dụng cho người xin thị thực nhập cảnh, nhưng nếu được thông qua, sẽ mở rộng đến cả những người đã sinh sống hợp pháp tại Mỹ. Theo ước tính của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS), khoảng 3,6 triệu người có thể bị ảnh hưởng trực tiếp nếu chính sách mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và quyền riêng tư đã nhanh chóng lên tiếng phản đối. Họ cho rằng việc giám sát mạng xã hội là không cần thiết và dễ dẫn đến phân biệt đối xử hoặc hiểu lầm. Rachel Levinson-Waldman – chuyên gia thuộc Trung tâm Brennan – cảnh báo rằng mạng xã hội là môi trường đầy nhiễu loạn, nơi thông tin thật giả khó phân định. Bà cho rằng “đánh giá một cá nhân chỉ dựa trên các bài đăng hoặc tương tác trực tuyến là cực kỳ rủi ro và có thể sai lệch”.
Vấn đề càng trở nên phức tạp khi đề xuất của DHS đi kèm với việc tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình phân tích thông tin. Mặc dù AI giúp xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ nhanh hơn, nhưng các chuyên gia lo ngại hệ thống này có thể hiểu sai ngữ cảnh, bỏ sót các yếu tố văn hóa và ngôn ngữ, dẫn đến những quyết định thiếu chính xác.
Cựu giám đốc USCIS Leon Rodriguez nhấn mạnh rằng: “AI không thể thay thế hoàn toàn con người trong việc đánh giá rủi ro an ninh. Những quyết định liên quan đến tương lai của một con người cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng và đồng cảm.”
Ngoài ra, đề xuất cũng vấp phải rào cản pháp lý từ Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ – văn bản bảo vệ quyền tự do ngôn luận, kể cả với người không phải công dân. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi liệu chính phủ có thể từ chối cấp quyền cư trú chỉ vì những quan điểm thể hiện trên mạng xã hội hay không.
DHS đang lấy ý kiến công chúng và các cơ quan liên bang trong vòng 60 ngày, kết thúc vào ngày 5/5 tới. Trong khi chính quyền nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo rằng việc này có thể tạo tiền lệ nguy hiểm, dẫn đến việc giám sát tràn lan và làm xói mòn niềm tin vào hệ thống nhập cư công bằng.
Cuộc tranh luận về ranh giới giữa an ninh quốc gia và quyền cá nhân tại Mỹ chắc chắn sẽ còn tiếp tục gay gắt trong thời gian tới.