Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Washington và Moscow đều đang tìm kiếm các hướng đi mới trong quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và năng lượng. Đây cũng là lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát vào năm 2022.
Ông Kirill Dmitriev, lãnh đạo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết cuộc thảo luận giữa phái đoàn Nga và Mỹ chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế tổng thể, nhưng Bắc Cực đã trở thành một chủ đề quan trọng.
“Chúng tôi đã thảo luận cụ thể về Bắc Cực và có thể sẽ có một dự án chung trong khu vực này”, ông Dmitriev nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico sau cuộc họp ở Riyadh.
Phái đoàn Nga tham dự cuộc đàm phán lần này bao gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Cố vấn Đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin, Yuri Ushakov. Về phía Mỹ, dẫn đầu phái đoàn là Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff.
Ông Dmitriev đánh giá cuộc gặp là một bước tiến tích cực trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt sau khi chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden cắt đứt nhiều kênh liên lạc song phương.
Ông nhấn mạnh rằng sự hợp tác kinh tế giữa Nga và Mỹ có thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Theo ông, doanh nghiệp Mỹ đã thiệt hại khoảng 300 tỷ USD do rút khỏi thị trường Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận hai bên đã đạt thỏa thuận thiết lập đối thoại về hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, bao gồm năng lượng, không gian và các lĩnh vực khác mà cả hai cùng quan tâm.
Giới chức Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Trước đây, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ từng hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga để thăm dò dầu khí ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, ExxonMobil đã rút khỏi dự án vào năm 2018 do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow. Với bối cảnh mới hiện nay, khả năng nối lại hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Mỹ đang được đặt lên bàn thảo luận.
Bắc Cực có vị trí chiến lược và tiềm năng tài nguyên dồi dào, thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này từng nhiều lần thể hiện mong muốn mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này, bao gồm đề xuất mua Greenland từ Đan Mạch, đồng thời cũng bỏ ngỏ việc sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc quân sự để giành quyền kiểm soát khu vực này.