Kết thúc hội nghị, ba nước đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh mục tiêu thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, và chống lại các hành động cưỡng ép hoặc đe dọa bằng vũ lực.
Tuyên bố chung tái khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt. Các Bộ trưởng cam kết hợp tác với các đối tác như Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và Anh để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và hỗ trợ các ưu tiên an ninh trong khu vực.
Ba nước cũng nhấn mạnh sự phối hợp tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sắp diễn ra tại Lào.
Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành vi gây bất ổn tại biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là những động thái nguy hiểm từ Trung Quốc đối với tàu thuyền của Philippines.
Các Bộ trưởng phản đối mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không.
Bộ trưởng ba nước cũng khẳng định lại sự cần thiết của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực về biển Đông là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan.
Ngoài vấn đề biển Đông, tuyên bố chung còn nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, kêu gọi giải quyết các vấn đề tại khu vực này bằng các biện pháp hòa bình.
Tuyên bố cũng lên án mạnh mẽ các hành động gây bất ổn của Triều Tiên, bao gồm việc sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và vụ thử tên lửa liên lục địa ngày 31/10. Ba nước tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Để hỗ trợ ổn định khu vực và răn đe tập thể, ba nước cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng dựa trên bốn trụ cột chính: mở rộng hoạt động quốc phòng ba bên; xây dựng năng lực tiên tiến; lập kế hoạch chung; và gia tăng hiện diện trong khu vực.
Cuộc họp lần này khẳng định vai trò chủ động của Mỹ, Nhật Bản và Australia trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ về hợp tác và đoàn kết trước các thách thức khu vực.