Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết mục tiêu là đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào thời điểm này, mặc dù tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang rất căng thẳng. Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu cho rằng đây là mục tiêu quá tham vọng và việc đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay có vẻ thực tế hơn.
Cùng ngày 16/2, Ukraine thông báo giành lại được ngôi làng Pishchane, gần thành phố Pokrovsk, từ tay quân đội Nga sau nhiều tháng chiến đấu.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố lực lượng của ông đã đạt được bước tiến quan trọng tại khu vực này.
Viktor Tregubov, phát ngôn viên của các lực lượng Ukraine tại khu vực cho biết: "Một số cuộc phản công của lực lượng Ukraine đã đạt được thành công, và chúng tôi có thể nói về việc giải phóng làng Pishchane."

Tình hình chiến sự vẫn căng thẳng, đặc biệt là tại khu vực miền Đông Ukraine nơi các lực lượng Nga tiếp tục tấn công và tìm cách chiếm giữ các ngôi làng gần Pokrovsk, một khu vực chiến lược quan trọng. Các lực lượng Nga gia tăng tấn công nhằm kiểm soát khu vực này, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hậu cần cho các chiến dịch quân sự của họ.
Về nỗ lực hòa giải, cuộc gặp giữa đại diện Mỹ và Nga dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út vào ngày 18/2 nhằm thảo luận về xung đột Ukraine.
Về phần mình, ông Trump cho biết ông có thể sẽ sớm gặp người đồng cấp Nga Putin để bàn giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine.
Ông Trump cũng đã tiến hành các cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm giảm căng thẳng. Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ quan điểm việc Ukraine gia nhập NATO và việc khôi phục biên giới của nước này trước năm 2014 là "không thực tế".
Một trong những điểm đáng chú ý trong các cuộc đàm phán sắp tới là việc Mỹ có thể sẽ tiếp cận vấn đề Ukraine mà không có sự tham gia trực tiếp của các quốc gia châu Âu. Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga, Keith Kellogg, tuyên bố châu Âu sẽ không có mặt tại bàn đàm phán, mặc dù lợi ích của các quốc gia này vẫn sẽ được xem xét.