Chờ...

Nhật cảnh báo nguy cơ rệp lây lan trên toàn quốc

VOH - Các cuộc tư vấn liên quan đến rệp ở các khu đô thị lớn của Nhật Bản là Tokyo và Osaka đã tăng mạnh trong năm nay và lên mức cao kỷ lục.

Sự trỗi dậy đột ngột của loài côn trùng hút máu ở Nhật Bản sau các báo cáo về các đợt bùng phát tương tự ở các quốc gia như Hàn Quốc và Pháp, gây lo ngại cho người dân khi hoạt động du lịch trong nước và quốc tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.

rệp
Một con rệp - Ảnh: Kyodo

Xem thêm: Cách phát hiện và loại bỏ rệp

Mặc dù rệp đã có mặt ở Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 và từng lan tràn khắp đất nước nhưng số lượng của chúng đã giảm mạnh vào khoảng năm 1970 do việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc trừ sâu mạnh. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2000, một số loài bắt đầu phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu.

Theo hiệp hội kiểm soát sinh vật gây hại của Tokyo, thủ đô đã nhận được 306 cuộc tư vấn liên quan đến rệp tính đến tháng 11, trong khi năm 2022 chỉ có 247 cuộc tư vấn.

Nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn có trụ sở tại Tokyo, Earth Corp. cũng cho biết, số lượt tư vấn về rệp đã tăng gấp 8 lần trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Osaka đã nhận được 307 cuộc tham vấn tính đến cuối tháng 11, nhiều hơn khoảng 50% so với năm ngoái. Vào cuối tháng 11, một báo cáo về rệp trên tàu điện ngầm Osaka đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhà điều hành tàu phải dọn dẹp tất cả 1.380 chuyến tàu của mình.

Trên toàn quốc, các cuộc tham vấn trong năm tài chính 2022 đã tăng khoảng 5 lần do với năm 2009, trong đó mọi người yêu cầu được giới thiệu những chuyên gia diệt côn trùng và giúp loại bỏ rệp.

Theo Masaru Natsuki, Chủ tịch Hiệp hội Côn trùng học và Động vật học Nhật Bản và là giáo sư da liễu tại Đại học Y khoa Hyogo, tình trạng nhiễm rệp đang xảy ra ngay cả bên ngoài khu vực thành thị.

Nasaki nói: “Mọi người đang bị cắn ở nhiều nơi trên đất nước và không nơi nào được coi là an toàn. Tôi muốn mọi người có suy nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên đất nước”.

Nasaki khuyên người dân nên bọc kín quần áo và đồ đạc khác trong túi nhựa và đặt chúng càng xa giường càng tốt khi đi du lịch. Nhưng ông nói thêm rằng, sự cuồng loạn là không cần thiết.

Ông nói: “Mặc dù vết cắn của chúng gây ngứa dữ dội nhưng rệp không truyền bệnh. Nếu bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa thì không cần phải sợ hãi quá mức”.

Rệp, dài khoảng 5 mm và là họ hàng sống về đêm của bọ xít, ẩn náu trong các vết nứt và khe hở trên đồ đạc vào ban ngày, ra ngoài hút máu con người vào ban đêm. 

Vết cắn của chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, dẫn đến ngứa ngáy dữ dội.

Những khó khăn trong việc phát hiện những sinh vật nhỏ bé và khả năng đẻ hàng trăm quả trứng trong đời của con cái có nghĩa là sự lây nhiễm có thể dễ dàng lây lan nếu chúng bám vào quần áo hoặc đồ đạc.