Chờ...

Nhiều trường Đại học tại Úc phản ứng việc Chính phủ áp đặt mức trần du học sinh

VOH - Thông tin về việc Chính phủ áp đặt mức trần 270.000 du học sinh cho năm 2025 đã khiến nhiều trường Đại học tại nước này phản ứng.

Quy định mới được Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare đưa ra nhằm đưa số lượng du học sinh về mức trước đại dịch Covid-19. Nhưng con số này thấp hơn 20% so với lượng du học sinh đến Úc trong cao điểm gần đây.

Quyết định này đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các trường đại học lớn ở Úc, đặc biệt là nhóm đại học G8, bao gồm Đại học Quốc gia Úc, Adelaide, Melbourne, Sydney, Monash, Western Australia, Queensland và New South Wales.

Các trường này cho rằng việc giới hạn số lượng du học sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của họ.

du học sinh quốc tế
Ảnh minh họa: Internet

Các trường đại học G8 đã đệ trình một cuộc điều tra Quốc hội về quyết định này, cho rằng giới hạn số lượng du học sinh đi theo "chế độ chỉ huy và kiểm soát" sẽ không hiệu quả.

Andrew Norton, chuyên gia giáo dục tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng phần lớn sinh viên quốc tế chọn học tại các thành phố lớn vì sự năng động và cơ hội việc làm.

Ông lo ngại rằng việc áp trần sẽ khiến sinh viên chuyển đến học tại các trường đại học khác ở thành phố lớn hoặc chọn học ở các quốc gia khác.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS), giáo dục quốc tế là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Úc, với tổng giá trị lên đến 48 tỷ USD vào năm 2023.

Con số này bao gồm học phí và chi tiêu của sinh viên trong nước, không tính đến đóng góp của họ vào thị trường lao động và thuế.

Các số liệu trước thông báo cũng cho thấy việc áp mức trần có thể khiến Úc thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm và làm mất hàng chục nghìn việc làm liên quan đến du học sinh.

Giáo sư Duncan Maskell từ Đại học Melbourne cho rằng Chính phủ đã phớt lờ những lo ngại về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, cũng như tác động đến trình độ kỹ năng và năng suất của lực lượng lao động Úc.

Ông cảnh báo rằng sự thiếu hụt sinh viên quốc tế ở các trường đại học lớn có thể gây khó khăn lớn trong việc duy trì chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Chính phủ Úc hiện đang đối mặt với áp lực từ các cơ sở giáo dục và cộng đồng học thuật để cân nhắc lại quy định mới này và tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo vệ ngành giáo dục quốc tế, vốn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia.