Ông nói: “Nơi tiếp theo Israel để mắt tới có thể là quê hương của chúng ta. Giấc mơ của ông Netanyahu bao gồm Anatolia. Bất kể cái giá phải trả thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chống lại Israel và cùng cộng đồng quốc tế tham gia vào lập trường này.”
Những phát biểu trên khác xa 1 năm trước, khi 2 người gặp nhau bên lề đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Lúc đấy, họ khẳng định sau nhiều năm căng thẳng, giờ đây mối quan hệ đang ấm lại. Hai bên còn bàn đến 1 đường ống dẫn khí từ Israel đến châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Giờ đây sau 1 năm chiến sự Gaza, đàm phán khôi phục quan hệ đã dừng lại. 2 lãnh đạo liên tục chỉ trích lẫn nhau.
Một nguồn tin Israel nói với Middle East Eye rằng, giới chức Israel được giải thích rất rõ rằng, bất kỳ cuộc chiến với Hamas hoặc leo thang nào, đều có thể phá hỏng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ ràng, Israel cần neo vào con đường chính trị để đảm bảo giải pháp 2 nhà nước. Nếu không, quan hệ sẽ đổ vỡ.
Từ khi xung đột Gaza bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ định vị mình là bên trung gian. Tuy nhiên họ nhận thấy khó làm việc với Thủ tướng Netanyahu của Israel khi chỉ muốn Hamas đáp ứng mọi yêu cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cứng rắn với Israel từ tháng 4/2024, khi ngưng mọi quan hệ thương mại. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, họ chỉ bình thường trở lại khi dòng viện trợ nhân đạo được tự do vào Gaza. Thổ Nhĩ Kỳ còn triệu hồi đại sứ tại Israel để tham vấn. Israel cũng rút đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do an ninh.
Theo 1 số nguồn tin, 2 bên đều thừa nhận, nối lại thương mại như cũ là rất khó, trừ khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza. Số người chết tăng cao tại Gaza, đang trở thành lực cản lớn nhất.
Vị thế ngày càng tăng của Thủ tướng Netanyahu cũng làm phức tạp thêm mối quan hệ. Điều đó báo hiệu ông sẽ tiếp tục nắm quyền ít nhất đến năm 2026.
Chuyên gia Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington Institute nói rằng, chỉ trích của Tổng thống Erdogan chủ yếu nhắm vào Thủ tướng Netanyahu, nên Thổ Nhĩ Kỳ có thể thiết lập lại mối quan hệ nếu Israel thành lập Chính phủ mới.
Một vấn đề khác dường như cũng ảnh hưởng tới quan hệ song phương, là Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt ra khỏi các nỗ lực tái thiết sau chiến tranh ở Gaza. Israel không có bất kỳ kế hoạch nào cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò ở Gaza, ngoài vấn đề nhân đạo.
Đại tá nghỉ hưu Rich Outzen, thành viên Atlantic Council nói rằng, 2 ông Netanyahu và Erdogan vẫn sẽ căng thẳng trong tương lai. Cả 2 đều thực dụng. Tổng thống Donald Trump của Mỹ nếu thắng cử, có thể gắn kết 2 người.