Quyết định này được thông báo ngày 4/2, sau khi có thông tin cho thấy các nhóm tội phạm buôn bán và ép buộc hàng nghìn người vào làm việc tại các trung tâm lừa đảo trên khu vực biên giới giữa Thái Lan và Myanmar. Những trung tâm này chủ yếu tham gia các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp, gây thiệt hại lớn cho nhiều quốc gia trong khu vực.
Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan điện lực ngừng cung cấp điện cho các khu vực này ngay lập tức.
"Chúng ta phải hành động ngay lập tức để ngừng các hoạt động bất hợp pháp này," ông Phumtham phát biểu trước báo giới.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc xử lý tình trạng này, cho rằng những vụ việc liên quan đến các trung tâm lừa đảo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh quốc gia, đặc biệt là ngành du lịch.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, các băng nhóm tội phạm đang kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm từ các hoạt động này. Đặc biệt, các nạn nhân chủ yếu là người lao động bị ép buộc làm việc trong điều kiện tồi tệ với nhiều người bị lừa sang các khu vực như Tachileik, Myawaddy và Payathonzu ở Myanmar.
Một số nạn nhân, như nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh bị bắt cóc và ép làm việc tại các trung tâm này. Vương Tinh đã được cảnh sát Thái Lan giải cứu sau khi tìm thấy anh tại Myanmar vào tháng 1.
Ngoài việc cắt điện, Thái Lan cũng lên kế hoạch thảo luận các biện pháp khác để đối phó với vấn đề này, bao gồm cả việc tăng cường các biện pháp an ninh tại khu vực biên giới. Chính quyền Thái Lan mong muốn xoa dịu lo ngại của du khách, đặc biệt là du khách Trung Quốc về vấn đề an toàn khi đến thăm đất nước này.
Từ tháng 10/2023, chính quyền quân sự Myanmar đã cho hồi hương hơn 55.000 người nước ngoài, phần lớn là người Trung Quốc, những người bị ép làm việc trong các khu phức hợp lừa đảo.