Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports (SciRep), một nhóm các nhà khoa học quốc tế của Serbia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia và các nước khác đã phát hiện ra rằng tình trạng nóng lên trên toàn cầu đe dọa trữ lượng nước ngọt lớn nhất trên trái đất, nằm trong các hang động trên khắp thế giới.
Hang động cho phép các chuyên gia quan sát hệ sinh thái dưới lòng đất, đóng vai trò là nơi lưu trữ một lượng lớn nước ngọt sạch và là ngôi nhà cho các sinh vật đảm bảo chất lượng của các nguồn nước dự trữ chiến lược này cho tương lai của nhân loại bằng cách tái chế các chất hữu cơ và chất ô nhiễm.
Theo nội dung nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hơn 105.000 thay đổi nhiệt độ trong hang động ở các vùng khí hậu khác nhau, sau đó so sánh các chỉ số với nhiệt độ bề mặt.
Điều phối viên nghiên cứu Ana Sofia Reboleira của Đại học Lisbon ở Bồ Đào Nha cho biết: "Sự thay đổi nhiệt độ cho thấy ba kiểu phản ứng nhiệt khác nhau ở dưới bề mặt so với trên bề mặt, điều chưa từng được quan sát thấy trước đây. Kết quả cho thấy nhiệt độ trung bình trong hang động phản ánh nhiệt độ trung bình bên ngoài. Do đó, sự gia tăng nhiệt độ được dự đoán trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên bề mặt cũng sẽ được phản ánh dưới lòng đất".
Biến động nhiệt độ hàng năm được ghi nhận trong các hang động dao động từ 0,1°C đến 8,8°C. Vì không gian dưới lòng đất là nơi sinh sống của cộng đồng các loài quý hiếm và dễ bị tổn thương nên sự thay đổi nhiệt độ có thể phá hủy hệ sinh thái của chúng. Các nhà sinh học nhấn mạnh điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.