Tòa thị chính Tokyo hôm thứ Ba 1/11, đã bắt đầu cấp giấy chứng nhận mối quan hệ cho những người cùng giới đang sống hoặc làm việc tại thủ đô Nhật Bản, một giải pháp được mong chờ từ lâu ở quốc gia không tồn tại hôn nhân đồng tính. Đây cũng được coi là một bước tiến nhằm hướng tới sự công nhận tốt hơn đối với các cặp đồng tính ở Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất không công nhận mối quan hệ đồng giới, Hiến pháp của nước này quy định rằng "hôn nhân chỉ có thể diễn ra khi có sự đồng ý của cả hai giới".

Giấy chứng nhận của thành phố Tokyo sẽ giúp các cặp đôi LGBTQ được đối xử như các cặp vợ chồng khác trong một số dịch vụ công liên quan đến nhà ở, y tế hoặc phúc lợi xã hội. Tòa thị chính quận Shibuya thuộc Tokyo là nơi đầu tiên ở Nhật Bản cấp chứng nhận mối quan hệ đồng giới vào năm 2015. Kể từ đó, hơn 200 thành phố hoặc chính quyền địa phương đã cân nhắc điều này.
Những giấy chứng nhận này tuy không thể mang lại những quyền tương tự như một cuộc hôn nhân hợp pháp, nhưng chứng nhận tình trạng hôn nhân mới do tòa thị chính Tokyo đề xuất đã cho thấy một bước tiến.
Thống đốc Yuriko Koike của Tokyo cho biết, tính đến ngày 28/10 đã có 137 cặp đôi nộp đơn xin giấy chứng nhận mối quan hệ. Nhiều người hy vọng rằng việc cấp chứng nhận cho các mối quan hệ đồng giới, với cả người dân Tokyo và những người sống ở vùng ngoại ô nhưng làm việc tại thủ đô, sẽ giúp giải quyết vấn đề chống phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQ ở Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, khi ở Nhật Bản, cầm quyền bởi đảng cánh hữu bảo thủ, các bước nhỏ nhằm chấp nhận sự đa dạng giới tính đã được thực hiện. Một cuộc khảo sát năm 2021 của đài truyền hình nhà nước NHK cho thấy 57% người được hỏi ủng hộ hôn nhân đồng giới, so với 37% phản đối.
Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để đi về mặt pháp lý. Tháng 6 năm ngoái, một tòa án ở Osaka đã bác bỏ đơn khiếu nại của 3 cặp đôi đồng giới, đồng thời cho rằng việc không công nhận hôn nhân đồng tính là phù hợp với Hiến pháp. Ngược lại vào năm 2021, một tòa án ở Sapporo nhận thấy rằng tình hình hiện tại đã vi phạm quyền bình đẳng được Hiến pháp bảo đảm.