Tổng thống Trump sẽ cắt nguồn tài trợ cho Nam Phi vì "tịch thu" đất đai "tùy tiện"

MỸ - Theo Tổng thống Donald Trump, Nam Phi đang "tịch thu" đất đai và "đối xử rất tệ với một số tầng lớp nhân dân". Ông tuyên bố cắt mọi nguồn tài trợ cho nước này trong khi chờ điều tra.

Vấn đề đất đai ở Nam Phi từ lâu đã gây chia rẽ. Những nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng do người da trắng cai trị đã vấp phải sự chỉ trích từ những người bảo thủ, bao gồm cả Elon Musk, người giàu nhất thế giới - sinh ra tại Nam Phi và là cố vấn quyền lực của ông Trump.

Tháng trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký một dự luật quy định rằng, trong một số trường hợp nhất định, chính phủ có thể "không bồi thường" cho tài sản mà họ quyết định tịch thu vì lợi ích công cộng.

tong-thong-my-030225-2

Tổng thống Donald Trump (trái) và doanh nhân người Nam Phi Elon Musk - Ảnh: EPA

“Nam Phi đang tịch thu đất đai và đối xử RẤT TỆ với một số tầng lớp nhân dân”, Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình vào ngày 2/2.

“Tôi sẽ cắt mọi nguồn tài trợ trong tương lai cho Nam Phi cho đến khi cuộc điều tra đầy đủ về tình hình này được hoàn tất!” – ông Trump viết.

Dự luật của chính phủ Nam Phi không cho phép tịch thu tài sản một cách tùy tiện và trước tiên phải tìm cách đạt được thỏa thuận với chủ sở hữu.

Tuy nhiên, một số nhóm lo ngại về tình huống tương tự như việc chính phủ Zimbabwe tịch thu các trang trại thương mại do người da trắng làm chủ, thường là không được bồi thường, sau khi giành độc lập vào năm 1980.

Sau đó, trong cuộc họp báo, ông Trump nói rằng "giới lãnh đạo Nam Phi đang làm một số điều tồi tệ, những điều kinh khủng" mà không đưa ra ví dụ cụ thể.

Quyền sở hữu đất đai là một vấn đề gây tranh cãi ở Nam Phi khi hầu hết đất nông nghiệp vẫn thuộc sở hữu của người da trắng - ba thập kỷ sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc.

Kể từ đó, tòa án đã giải quyết một số vụ tranh chấp đất đai và sau nhiều quá trình phức tạp đã trả lại đất cho những chủ sở hữu đã bị di dời trước đó.

Theo chính phủ Nam Phi, Đạo luật Đất đai của Người bản địa năm 1913 đã chứng kiến ​​hàng nghìn gia đình da đen bị chế độ phân biệt chủng tộc cưỡng bức rời khỏi đất đai của họ.

Vấn đề tế nhị này đã trở thành điểm tập hợp đặc biệt của phe cánh hữu, với nhiều nhân vật bảo thủ bao gồm Musk và nhà báo cánh hữu Katie Hopkins ủng hộ quyền lợi của những người chủ đất da trắng.

Musk sinh ra tại thủ đô Pretoria của Nam Phi vào ngày 28/6/1971, có cha là kỹ sư và mẹ là người mẫu gốc Canada. Ông rời khỏi đất nước khi còn là thiếu niên.

Chính sách phân biệt chủng tộc của nước này chính thức kéo dài đến năm 1990 và các cuộc bầu cử đa chủng tộc đã được tổ chức vào năm 1994.

Bình luận