Một bài nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc được công bố trên tạp chí The Innovation tuần trước cho biết, khi được đưa vào điều kiện mô phỏng môi trường trên sao Hỏa, loài rêu - Syntrichia Caninervis - có khả năng chịu được độ khô hạn khắc nghiệt, nhiệt độ cực thấp và bức xạ.
Rêu có thể đóng vai trò là "cơ sở cho việc thiết lập và duy trì hệ sinh thái bằng cách góp phần sản xuất oxy, cô lập carbon và tăng độ phì nhiêu của đất", các nhà nghiên cứu cho biết trong nghiên cứu được công bố vào ngày 1/7.
"Nó có thể giúp thúc đẩy các quá trình khí quyển, địa chất và sinh thái cần thiết cho các loài thực vật và động vật bậc cao khác, đồng thời tạo điều kiện tạo ra các môi trường sống mới thuận lợi cho việc định cư lâu dài của con người" - bài báo cho biết.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng, ngay cả khi mất hơn 98% lượng nước trong tế bào, rêu vẫn có thể phục hồi các hoạt động quang hợp và sinh lý chỉ trong vài giây sau khi được ngậm nước.
Khi còn nguyên vẹn, rêu cũng có thể chịu được nhiệt độ cực thấp và tái sinh sau khi được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ âm 80 độ C trong 5 năm hoặc trong nitơ lỏng trong một tháng.
Loại rêu này được tìm thấy ở Tân Cương, Tây Tạng, sa mạc California, Trung Đông và các vùng cực.
Cuộc chạy đua để mở rộng phạm vi hoạt động trong không gian đã thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ triển khai các kế hoạch thám hiểm trong những năm gần đây.
Các sứ mệnh của Trung Quốc bao gồm phóng tàu thăm dò tiểu hành tinh gần Trái Đất Tianwen-2 vào năm 2025 và Tianwen-3 vào khoảng năm 2030 để mang mẫu vật từ sao Hỏa về.
Tháng trước, Trung Quốc đã thu thập được các mẫu vật từ mặt tối của Mặt Trăng.
Tại Mỹ, NASA đã xây dựng một kế hoạch 20 năm cho sao Hỏa, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi liệu hành tinh đỏ có phải là nơi thích hợp cho con người sinh sống hay không.