Khi nhắc đến "Nu na nu nống", nhiều người, nhất là thế hệ 8x, 9x sống ở vùng nông thôn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại tuổi thơ "dữ dội" của mình. Đây là một trò chơi dân gian có tự lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Vậy "Nu na nu nống" là gì và có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây!
Nu na nu nống là gì?
Đây là một trò chơi dân gian phổ biến tại Việt Nam có từ lâu đời. Tuy nhiên, không có tài liệu nào ghi nhận thời gian xuất hiện cụ thể. Theo Wikipedia, trò chơi này có từ trước thời Hán thuộc.
Nhiều người cho rằng, Nu na nu nống được hình thành trong đời sống văn hóa của người dân và được truyền từ đời này sang đời khác, nhất là tại các làng quê. Trò chơi này là một phần không thể thiếu của tuổi thơ nhiều thế hệ, giúp gắn kết cộng đồng và mang lại tiếng cười.
Lời bài hát đồng giao Nu na nu nống?
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, nếu coi bài đồng dao này là một văn bản thì văn bản này khi đọc lên, ta không thấy tính liên kết, tức là các câu (phát ngôn) không có sự kết nối theo chủ đề, mỗi câu mỗi vẻ. Nếu tách ra, xem xét từng câu thì các câu đều đúng ngữ pháp và mỗi câu đều miêu tả một sự tình. "Cái bống nằm trong" chả liên quan gì với "Củ khoai chấm mật", với "Bụt ngồi Bụt khóc", với "Con cóc nhảy ra"…
Hầu hết các bài đồng dao liên quan đến trò chơi dân gian đều trong tình trạng "phi liên kết" như vậy. Bởi lời bài đồng dao chỉ là văn bản dẫn dắt, theo từng giai đoạn của cuộc chơi. Mỗi câu thơ đánh dấu một giai đoạn và khi đọc tới câu cuối cùng thì trò chơi kết thúc (hoặc chuyển sang giai đoạn khác cho người chơi tiếp theo).
Tùy vùng miền mà bài đồng dao Nu na nu nống có các dị bản khác nhau, nhưng thường bắt đầu bằng câu hát quen thuộc "Nu na nu nống". Dưới đây là 2 phiên bản phổ biến được nhiều người biết đến.
Dị bản 1
Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở hội thi đua
Thi chân đẹp đẽ
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống.
Dị bản 2
Nu na nu nống
Cái trống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tay xòe tay thụt.
Cụm từ "Nu na nu nống" nghĩa là gì?
Thoạt nghe, "Nu na nu nống" giống như tiếng líu lo của mấy đứa trẻ con nói ngọng, với âm điệu vui tươi và dễ thương.
Bài đồng dao này cũng có nhiều dị bản, nhưng đa phần đều bắt đầu bằng Nu na nu nống, trừ bài sau:
Nu nả, nu na
Nở ra tua túa
Nổ túa lên trời
Nổ rơi xuống đất
Nổ bật nắp vung
Nổ tung nón lá
Nu nả, nu na.
Như vậy, có thể cho rằng, "nu na" là từ láy, còn "nu nống" hay "nu nả" là từ phụ của "nu na" mà thôi. Vậy "nu na" có nghĩa là gì?
Trong các cuốn Tự điển Khai Trí (1971), Từ điển Hoàng Phê (1988) không có từ "nu na".
Cuốn Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa như sau:
“Nu na”: một trò chơi của trẻ con, ngồi duỗi chân ra mà đếm. Nghĩa rộng: Ngồi thong thả nhàn hạ.
Ví dụ: Công việc không có, ngồi nu na với nhau cả ngày.
Nhiều thông tin cho rằng, từ "nu na" là do người Việt đọc trại đi từ "nô na" của tiếng Hán. Theo đó, "nô" là đứa ở, đầy tớ; "na" là "an nhàn". "Nô na" ở đây tạm dịch là "đầy tớ lúc an nhàn, nghỉ ngơi" có thể hiểu là "lúc được chơi đùa".
Về sau, "nu na nu nống" trở thành tên trò chơi được các thế hệ tuổi thơ yêu thích.
Ý nghĩa của trò chơi Nu na nu nống là gì?
Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, không gian vui chơi cho trẻ em dần thu hẹp, khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại về việc trẻ quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Trò chơi dân gian Nu na nu nống chính là một giải pháp hữu ích trong tình huống này.
Trò chơi không vận động mạnh, chạy nhảy hay hò hét. Các bé chỉ cần tập hợp lại một chỗ, ngân nga bài đồng giao là có thể tận hưởng những giây phút vui vẻ. Bên cạnh đó, trò chơi này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ.
Phát triển kỹ năng giao tiếp và hòa đồng
Khi tham gia trò chơi, trẻ học cách giao tiếp và hòa nhập với những người xung quanh. Các bé không chỉ vui chơi mà còn rèn luyện sự tôn trọng, biết lắng nghe và tương tác hiệu quả với bạn bè, giúp xây dựng kỹ năng xã hội từ sớm.
Tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần
Tuy không đòi hỏi vận động mạnh nhưng trò chơi này cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả cơ thể, nhất là cánh tay, mắt và trí óc. Các bé sẽ đập tay nhịp nhàng theo giai điệu, ghi nhớ lời bài hát và theo dõi quá trình chơi để không phạm luật. Qua đó, trẻ không chỉ hình thành khả năng quan sát, tập trung mà còn nâng cao tính linh hoạt về thể chất.
Rèn luyện khả năng đếm, ghi nhớ và phát triển ngôn ngữ
Nu na nu nống còn giúp trẻ phát triển khả năng đếm và ghi nhớ thông qua việc học thuộc, phát âm đúng và hát theo lời bài đồng dao. Điều này kích thích não bộ, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời tạo hứng thú học hỏi thông qua những giai điệu vui tươi.
Hướng dẫn cách chơi Nu na nu nống
Trò chơi này không giới hạn độ tuổi, từ các bé nhỏ đến những trẻ lớn hơn vẫn có thể tham gia một cách dễ dàng. Luật chơi của Nu na nu nống như sau:
Số lượng người chơi: Từ 3 đến 10 người, hoặc nhiều hơn.
Cách sắp xếp: Người chơi ngồi cạnh nhau, duỗi thẳng chân, tay nắm tay, và nhịp tay lên đùi trong khi đọc các câu đồng dao. Nếu đông người, có thể ngồi thành vòng tròn.
Cách chơi:
Chọn ra người làm quản trò. Người này sẽ lấy tay vỗ nhẹ lần lượt vào đùi hoặc bàn chân của người chơi theo thứ tự, sao cho mỗi từ trong bài đồng dao sẽ tương ứng với một vỗ.
Từ "nu" bắt đầu bằng chân của người thứ nhất, tiếp tục với từ "na" ở chân còn lại của người đó, rồi lần lượt chuyển sang chân của người thứ hai, thứ ba, và tiếp tục cho đến hết.
Sau khi đi hết lượt, tiếp tục quay ngược lại đến cho đến từ cuối cùng của bài đồng dao.
Từ này rơi vào chân ai thì người đó phải co lại và giữ nguyên tư thế.
Cả đội tiếp tục chơi cho đến khi tìm được người thắng cuộc.
Cách xác định người thắng:
Cách thứ nhất: Người nào gặp phải từ "trống" sẽ co một chân lại. Người co đủ hai chân trước tiên sẽ về nhất, người co đủ hai chân kế tiếp sẽ về nhì... Người co chân cuối cùng sẽ thua cuộc.
Cách thứ hai: Người co đủ hai chân đầu tiên là người thắng cuộc.
Sau mỗi lượt, trò chơi sẽ bắt đầu lại từ đầu.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: "Nu na nu nống là gì?". Đây không chỉ là một trò chơi dân gian mang lại tiếng cười cho trẻ nhỏ, mà còn góp phần hỗ trợ bé phát triển vận động, giao tiếp và ngôn ngữ.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.