Trái ngược với thiển cận là nhìn xa trông rộng. Làm thế nào để nhận biết một người có tầm nhìn thiển cận? Lối suy nghĩ này tác động thế nào đến cuộc sống chúng ta? Hãy cùng VOH trả lời tất cả những câu hỏi này qua bài viết sau.
Thiển cận là gì?
Chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của từ thiển cận thông qua việc giải nghĩa từng từ. Theo đó, “thiển” là nông, cạn, “cận” là gần. Như vậy, thiển cận là nông cạn, hạn hẹp, hời hợt, không sâu rộng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách giải thích đơn giản.
Thiển cận là một tính từ, thường được dùng để miêu tả cách nghĩ, cách nhìn của con người đối với những sự vật, sự việc… trong cuộc sống. Đó là cách nhìn, cách nghĩ hạn hẹp, chỉ nhìn và tập trung vào cái trước mắt, cái ở gần, nhìn thấy phần bề mặt chứ không biết nhìn xa trông rộng, nhìn về tương lai, không sâu sắc.
Từ thiển cận được mọi người sử dụng trong nhiều trường hợp. Suy nghĩ thiển cận, cái nhìn thiển cận, tầm nhìn thiển cận, kiểu tư duy thiển cận, đầu óc thiển cận… là một trong số những cách nói mà chúng ta thường xuyên bắt gặp.
Thiển cận tiếng Anh, chúng ta có thể tham khảo các cụm từ shallow, superficial, short-sighted.
Xem thêm:
Vô tri là gì mà lại "phủ sóng" khắp mọi nơi?
ATSM là gì? Vì sao không nên chọn sống ATSM?
Phiến diện là gì? Cách thay đổi tư duy phiến diện
Nhận diện kiểu người có tư duy thiển cận
Tư duy thiển cận không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có thể tác động tiêu cực đến tập thể và những người xung quanh. Vậy làm thế nào để nhận diện kiểu người này? Dưới đây là một số dấu hiệu đặc trưng do VOH tổng hợp, bạn có thể điểm nhanh những gạch đầu dòng sau để tự kiểm tra bản thân.
Chỉ nghĩ đến việc trước mắt, không có tầm nhìn
Người thiển cận là người không có tầm nhìn, không nghĩ đến tương lai, không có mục tiêu hay ước mơ. Họ thường chỉ nhìn thấy những thứ trước mắt, chỉ tập trung vào những thứ nhỏ nhặt, không có nhiều ý nghĩa.
Không biết cách sắp xếp công việc và cuộc sống
Không biết phân biệt đâu là thứ quan trọng, đâu là thứ ít quan trọng hơn nên người có lối suy nghĩ thiển cận dễ bị cuốn vào những chuyện vặt vãnh. Cũng có một số trường hợp thích quan trọng hóa vấn đề.
Đặc biệt, họ không phải là kiểu người có thể sắp xếp chu toàn cho công việc cũng như cuộc sống. Vì vốn dĩ, thiển cận chính là không có tầm nhìn.
Không tự ý thức được về bản thân
Suy nghĩ nông cạn, hời hợt của người thiển cận được biểu hiện trong cả những hiểu biết của họ về chính bản thân. Nói một cách dễ hiểu, kiểu này thường không biết mình có ưu nhược điểm gì, có giá trị như thế nào, thậm chí là không biết mình thích gì, đam mê gì, cần gì, muốn gì...
Tự cho rằng mình đúng, không có tinh thần học hỏi
Tư duy thiển cận thường đi kèm với thiếu hiểu biết nhưng lại nghĩ và tin rằng bản thân luôn đúng. Chính vì vậy, những người thiển cận thường không có tinh thần học hỏi hay ý muốn cải thiện, nâng cao bản thân.
Không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến, lời khuyên của người, không nhận lỗi, không thay đổi cũng không chịu mở rộng tầm nhìn. Đây chính là một trong những dấu hiệu đặc trưng giúp chúng ta nhận diện kiểu người này.
Thiển cận - kiểu tư duy hại đủ đường
Cách nghĩ, cách nhìn thiển cận chính là một rào cản lớn trong cả công việc lẫn cuộc sống. Lối tư duy này ảnh hưởng thế nào đến bản thân cũng như mọi người xung quanh? Dưới đây là một số hệ quả phổ biến.
Lãng phí tiền gian, tiền bạc, công sức
Sở dĩ nói, suy nghĩ thiển cận gây lãng phí là bởi kiểu người này không có tầm nhìn, không có kế hoạch dài hạn và chỉ quan tâm đến những thứ trước mắt hay thứ nhỏ nhặt. Trong khi đó, những thứ này thường không mang lại giá trị lớn và giá trị lâu dài.
Cho nên ngoài hiện tại, con người cũng cần phải suy tính, tìm cách tạo dựng cho tương lai. Như vậy mới có thể tạo ra và được hưởng những thành quả giá trị, bền vững.
Với tập thể, tổ chức, cộng đồng, nếu người đứng đầu có suy nghĩ nông cạn thì hiển nhiên, hệ quả nhận được cũng tương tự.
Lãng phí chất xám, nhân lực
Người thiển cận không có tinh thần học hỏi, không chịu mở rộng thế giới quan hay cải thiện bản thân, hợp tác, chia sẻ… thì dù hiểu biết, có năng lực đến đâu cũng không thể phát triển. Ấy chính là lãng phí chất xám, khả năng của bản thân.
Tương tự, họ cũng không biết cách tận dụng kiến thức, khả năng, điểm mạnh… của những người xung quanh. Cho nên, nếu giữ với vai trò là người lãnh đạo, người dẫn đầu thì kiểu người suy nghĩ thiển cận sẽ làm lãng phí nguồn nhân lực.
Dễ rơi vào trạng thái chán nản, mất hứng thú
Sống và làm việc mà không có mục tiêu, kế hoạch thậm chí là không có cả đam mê, sở thích, đây chính là đặc điểm thường gặp ở người thiển cận. Do đó, không khó hiểu khi kiểu người này rất dễ bị chán nản, mất hứng thú, thiếu sự sáng tạo, năng động.
Bỏ lỡ cơ hội, khả năng cạnh tranh kém
Vì không có kế hoạch dài hạn, không có chiến lược phát triển nên người thiển cận có thể bỏ lỡ những cơ hội tốt trong học tập, sự nghiệp, cuộc sống. Thiếu tầm nhìn, không biết cách lựa chọn, hành động lý trí… những điều này không chỉ là hạn chế cơ hội phát triển bản thân, khiến bạn không thể thành công. Nó còn làm giảm khả năng cạnh tranh của mỗi cá nhân.
Dễ đánh mất uy tín, niềm tin
Cách nhìn và lối suy nghĩ thiển cận khiến chúng ta dễ bị cuốn vào những chuyện vặt vãnh, vô bổ… và cũng dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi ý kiến, suy nghĩ của người khác. Điều này khiến cho niềm tin mà người khác đặt ở bạn dần phai nhạt. Sự công nhận, tín nhiệm, nể phục cũng không còn.
Và việc đánh mất uy tín, niềm tin này hoàn toàn có thể kéo theo rất nhiều hệ quả khác.
Tác động đến nhận thức
Thiển cận không chỉ là vấn đề về tầm nhìn và cách suy nghĩ mà còn là vấn đề về nhận thức. Chỉ nhìn thế giới qua lăng kính nhỏ bé của bản thân, không quan tâm đến tương lai, chỉ chú tâm đến hiện tại, kiểu tư duy này sẽ tác động đến nhận thức.
Nó hình thành tâm lý an phận, khiến cho con người đánh mất động lực, cảm hứng để phát triển, thay đổi… cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong khi đó, nhận thức luôn đóng một vai trò quan trọng với hành động.
Xem thêm:
Vượt qua giới hạn bản thân để chạm tới thành công
110 câu nói hay về niềm tin tạo động lực mỗi ngày
Sống là gì? Những lẽ sống ở đời và ý nghĩa của cuộc sống có giá trị
Để không trở thành người thiển cận
Thiển cận ngăn cản chúng ta thành công, hạnh phúc hay đơn giản hơn là có được cuộc sống mà mình mong muốn. Hơn nữa, kiểu tư duy này không chỉ gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến mọi người, đến tập thể.
Cho nên, để không trở thành người nông cạn, hời hợt, có tầm nhìn hạn hẹp, bạn nhớ cùng VOH lưu ý những điều sau.
Bổ sung kiến thức
Mở rộng vốn kiến thức, sự hiểu biết của bản thân là cách giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và tự xây dựng cho mình những quan điểm đúng đắn. Lợi ích của việc bổ sung tri thức là vô vàn và đặc biệt cần thiết với những người có tầm nhìn bị hạn hẹp.
Quan sát, lắng nghe, học hỏi từ người khác
Con người không hoàn hảo, sự thiếu sót của bạn có thể là thế mạnh của người khác. Cho nên để hoàn thiện bản thân, học hỏi từ người khác là việc cần thiết và có lợi. Tuy nhiên, hãy giữ sự khiêm tốn, cởi mở và tôn trọng, đặc biệt là những ý kiến, suy nghĩ khác biệt với mình.
Đánh giá bản thân, rèn luyện sự tự chủ
Thấu hiểu suy nghĩ, đánh giá đúng về khả năng của bản thân là bước cần thiết để tránh bị tư duy thiển cận chi phối. Ngoài ra, bạn cũng nên học cách làm chủ suy nghĩ và hành động của mình.
Thử thách bản thân
Người thiển cận thường “đóng khung” bản thân trong một giới hạn nhất định. Cho nên, muốn phá vỡ kiểu tư duy này, chúng ta không nên ngại dấn thân, không nên ngại thất bại, rủi ro. Hãy cho chính mình cơ hội để thử thách và tự khai thác tiềm năng. Bạn sẽ thu hoạch được rất nhiều điều bất ngờ.
Tìm kiếm nguồn cảm hứng, động lực
Tinh thần vui vẻ, thoải mái cùng động lực thích hợp sẽ giúp chúng ta có được năng lượng, dũng khí, sự tự tin… để làm những điều mình muốn.
Suy nghĩ hời hợt, nông cạn, không có tầm nhìn cũng không quan tâm đến tương lai của chính mình, đây chính định nghĩa về người thiển cận. Hy vọng, công việc và cuộc sống của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi cách nghĩ, cách nhìn như vậy.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để đón đọc những bài viết thú vị và truyền cảm hứng, động lực sống tích cực nhé!