Chờ...

TPHCM tu sửa nhà hát và chợ Bến Thành

VOH - Chợ Bến Thành và Nhà hát Thành phố là hai công trình mang tính biểu tượng của TPHCM, theo thời gian đều đang xuống cấp và cần sớm cải tạo.

Nhà hát thành phố và chợ Bến Thành là hai công trình lịch sử - văn hóa nổi bật và mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Đều nằm trên trục đường Lê Lợi có giá trị lịch sử gắn liền với quá trình hình thành, phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, là tuyến đường của giao thương kinh tế, quảng giao văn hóa.

Theo thời gian, hai công trình này đã dần bị xuống cấp và cần phải được tu sửa, cải tạo sớm để đảm bảo mỹ quan và giá trị công trình. Thành phố đã có kế hoạch nâng cấp và cải tạo hai công trình này với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Theo nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ cũng như khách du lịch, chợ Bến Thành qua nhiều năm không sửa chữa (lần gần nhất vào năm 1985) nên chợ đã xuống cấp, mái bị dột, gạch nền bong tróc, hệ thống nước rò rỉ... Thời gian qua nhiều tiểu thương cũng kiến nghị sửa chữa, nâng cấp chợ để yên tâm buôn bán và tạo mỹ quan thu hút khách.

Về phía nhà hát, nghị quyết HĐND thành phố vừa thông qua sẽ tu bổ, phục dựng khối nhà chính, bổ sung các hệ thống kỹ thuật trang thiết bị; tổ chức di dời, bảo quản, cách thức sử dụng các hiện vật, thiết bị trong khi thi công.

Nhà hát là di tích cấp quốc gia nên yêu cầu quan trọng khi cải tạo là đảm bảo tính nguyên trạng công trình. Ngành chức năng đã scan 3D toàn bộ công trình kiến trúc này, tạo các file dữ liệu với hình ảnh 3D, kích thước đúng tỷ lệ hiện thành, cấu kiện, thành phần... trước khi sửa chữa.

Dự án tu sửa sẽ thực hiện trong hơn ba năm. Quý 4 năm nay, công trình được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, năm 2024 trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; năm 2025 sẽ thi công lắp đặt, đến 2026 lắp đặt thiết bị, công tác sưu tầm, trưng bày. Việc thi công thực hiện theo hình thức cuốn chiếu đảm bảo các phòng chức năng hoạt động thường xuyên.

Trong 5 năm qua, TPHCM đã tu bổ hơn 50 di tích. Các di tích được tu bổ xong đã bảo tồn các yếu tố nguyên gốc và giá trị chân xác của di tích văn hóa, tạo được cảnh quan, môi trường hài hòa trong quá trình đô thị hóa, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.