Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chế độ tập luyện để phòng tránh và cải thiện gan nhiễm mỡ

VOH - Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc tập luyện thể dục phù hợp cũng giúp phòng tránh và cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, lười vận động, lười tập thể dục thể thao là một trong những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Vậy đối với người bị gan nhiễm mỡ, việc tập thể dục thường xuyên đem lại những lợi ích gì? Cần lưu ý gì trong quá trình tập luyện không? Có bài tập hoặc môn thể thao nào hiệu quả trong việc phòng ngừa cũng như giúp giảm mỡ gan tốt không?

Trả lời:

Tập thể dục không chỉ có lợi cho người bị gan nhiễm mỡ, người bị mỡ máu cao, đái tháo đường mà còn có tác dụng tốt cho tất cả mọi người trong việc phòng bệnh cũng như chữa bệnh.

Việc tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong việc điều trị gan nhiễm mỡ. Các yếu tố nguy cơ của gan nhiễm mỡ là thừa cân, béo phì. Tập thể dục giúp chúng ta giảm cân, giảm được lượng mỡ tích tụ trong gan, tăng độ nhạy cảm của insulin.

Insulin là một hormone trong cơ thể có nhiệm vụ đưa glucose vào tế bào và cải thiện tình trạng tăng glucose máu. Từ đó cải thiện được bệnh đái tháo đường. Đồng thời, còn giúp kháng sinh tình trạng các tế bào không đáp ứng được tác dụng của insulin, cũng như không sử dụng được glucose.

Vì vậy, tập thể dục giúp cải thiện được độ nhạy cảm insulin, giúp cơ thể sử dụng glucose một cách hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, tập thể dục giúp cải thiện tình trạng viêm. Viêm là một quá trình mãn tính trong bệnh lý gan nhiễm mỡ. Nếu bệnh lý kéo dài và tình trạng viêm không được cải thiện, có thể dẫn đến viêm gan mỡ không do rượu, tiến triển đến xơ gan, ung thư gan. 

Cho nên, bệnh nhân cần tập luyện thường xuyên để cải thiện tình trạng viêm. Từ đó, bảo vệ được tế bào gan khỏi các tổn thương do viêm. Tập thể dục cũng giúp cải thiện chức năng gan, giảm được nguy cơ biến chứng của bệnh lý gan nhiễm mỡ. 

Trong một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí Gastroenterology năm 2016 cho thấy, người bị gan nhiễm mỡ tập thể dục thường xuyên có thể giảm được mỡ trong gan, cải thiện chức năng gan, giảm nguy cơ của bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu (thuật ngữ chuyên ngành gọi là NASH).

Một số nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí về Gan mật năm 2018 cũng cho thấy, những người bị gan nhiễm mỡ khi tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc và tiến triển đến xơ gan.

Trong các khuyến cáo thuộc nhóm Bệnh lý Nội tiết chuyển hóa, những người bị gan nhiễm mỡ nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần để đạt được hiệu quả giảm cân, giảm viêm, cải thiện tình trạng đề kháng với insulin và hỗ trợ chức năng của tế bào gan. 

Chế độ tập luyện để phòng tránh và cải thiện gan nhiễm mỡ 1
Tập luyện thể dục thể thao giúp phòng ngừa và hỗ trợ chữa bệnh gan nhiễm mỡ - Ảnh: Canva

Về bài tập cụ thể cho người bị gan nhiễm mỡ, không có bài tập nào gọi là tối ưu. Chế độ tập luyện sẽ được phụ thuộc vào thể trạng của bệnh nhân. 

Ví dụ, bệnh nhân béo phì, thừa cân thì bước đầu tiên thường được khuyến cáo là đi bộ, giúp làm tăng nhịp tim, tạo được sự thích ứng của cơ thể. 

Trong vòng khoảng 1 tháng đầu tiên, bệnh nhân có thể tập chế độ đi bộ nhanh, rồi dần dần đạp xe và tập các bài tập kháng lực. Những bệnh nhân nào biết bơi thì nên đi bơi lội tại các hồ bơi để cải thiện sức khỏe.

Muốn tốt hơn nữa, các bệnh nhân có thể tham gia vào các phòng tập, các hệ thống tập gym. Các hệ thống này thường đa dạng chế độ bài tập và có người hướng dẫn để tránh chấn thương. Bệnh nhân có thể đi bộ 30 phút/ngày. Chú ý, khi đi bộ nên đi nhanh để tăng tần số nhịp tim và cải thiện thể lực.

Ngoài ra, người gan nhiễm mỡ nên bắt đầu từ từ và tăng cường độ tập luyện theo thời gian. Không nên áp đặt một bài tập quá nặng ngay từ đầu.

Ví dụ, một bệnh nhân béo phì 120kg, cao 1m6 thì không thể nào trong ngày đầu tiên phải tập Squat hay Depth lift, hoặc tập chạy trên máy, cardio 1 giờ/ngày. Nếu làm vậy, bệnh nhân có thể xảy ra các vấn đề về tim mạch hoặc khớp.

Bên cạnh đó, cần tìm ra loại hình tập luyện phù hợp và có thể duy trì lâu dài. Ví dụ, đi bộ, đạp xe, bơi lội thì phù hợp với nhiều người. Không cần thiết phải tập bài tập nặng, kháng lực sử dụng tạ nếu tình trạng thể lực chưa đáp ứng được.

Cuối cùng, trước khi bắt đầu luyện tập, mọi người nên đi khám tầm soát các nguy cơ, các bệnh lý về cơ, xương khớp và nhất là tim mạch để tránh tình trạng suy tim hoặc tăng huyết áp... rất nguy hiểm. 

Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Bích Ngọc

Bác sĩ Nội tiết, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn

Chế độ tập luyện để phòng tránh và cải thiện gan nhiễm mỡ 1

Đừng quên theo dõi chuyên mục Khỏe của VOH để cập nhật các thông tin, kiến thức sức khỏe hữu ích.

Bình luận