Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì, kiêng ăn gì?

VOH - Để phòng tránh cũng như điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, chế độ ăn là một yếu tố rất quan trọng đối với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Để tránh việc những quan niệm sai lầm trở thành rào cản trong việc phòng và điều trị bệnh, bác sĩ có thể chia sẻ thêm một số thông tin về chế độ ăn uống cho người mắc gan nhiễm mỡ được không ạ?

Trả lời:

Tôi xin cung cấp một số thông tin về lối sống khoa học cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. 

Để phòng ngừa và điều trị bệnh, bệnh nhân cần xây dựng một chế độ thực đơn phù hợp, hạn chế tình trạng tích tụ mỡ ở gan. 

Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì, kiêng ăn gì? 1
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ - Ảnh: Canva

Thứ nhất, ăn ít carbohydrate, tức là ăn ít tinh bột. Bệnh nhân cần hạn chế sử dụng các nhóm thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, cơm trắng, bánh mì. Chỉ hạn chế chứ không cần ngưng hoàn toàn. Trong bữa ăn, chỉ ăn từ 1 - 2 chén cơm, không nên ăn quá nhiều. Nếu không, sẽ gây ra tình trạng tăng quá nhiều đường, dẫn đến rối loạn lipid hay đái tháo đường.

Thứ hai, nên tăng cường ăn các loại rau xanh để hỗ trợ giảm mỡ máu. Rau xanh là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ. Chất xơ giúp kích thích các nhu động ruột, làm giảm nguy cơ bị táo bón và hạn chế các nguy cơ của xơ vữa động mạch. Nguồn vitamin A và vitamin E dồi dào trong rau quả có thể làm giảm nguy cơ tích tụ mỡ trong gan.

Theo một số nghiên cứu của Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP Hồ Chí Minh, một người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh và 200g hoa quả tươi mỗi ngày. Một số loại rau, củ quả có tác dụng giảm mỡ trong gan là đậu Hà Lan, cà chua, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, các loại bắp chuối, nấm hương,...

Thứ ba, ăn đủ lượng protein mỗi ngày. Bệnh nhân được khuyến cáo cung cấp đủ lượng protein hằng ngày. Lượng protein cần thiết là khoảng 1,2 - 1,5g trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Ví dụ, trung bình một người khoảng 50kg thì cung cấp từ 60 - 75g đạm/ngày. Khi cơ thể được cung cấp đủ lượng protein thì sẽ giúp gan hoạt động hiệu quả và lượng đường trong máu được cân bằng. Đồng thời cũng hỗ trợ giảm cân, giảm cảm giác đói, thèm ăn vặt.

Một số nguồn protein mà bệnh nhân nên bổ sung là thịt gia cầm, cá, lòng trắng trứng, hải sản và các loại đậu. Không hạn chế hoàn toàn chất béo mà bổ sung chất béo tốt, các nguồn thực phẩm nhiều omega 3 như cá thu, cá ngừ, cá trích, dầu cá, dầu thực vật, dầu trong các loại hạt như hạt óc chó,... Ngoài ra, chúng ta có thể bổ sung thêm nguồn chất béo có nguồn gốc từ thực vật như oliu, quả bơ,...

Về nguồn cacbonhydrate, ngoài việc hạn chế các loại tinh bột trắng như khoai tây, cơm trắng, bánh mì, chúng ta nên thay thế bằng bún, phở, gạo lứt, bánh mì nguyên cám. 

Ngoài việc chọn thực phẩm tốt kể trên, chúng ta cần hạn chế các loại mỡ động vật, những thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà vì những thực phẩm này sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ vì thịt đỏ có tỉ lệ mỡ cao hơn so với thịt trắng. Hạn chế các loại hoa quả nhiều đường vì sẽ làm glucose trong máu tăng cao, xảy ra tình trạng kháng insulin và gián tiếp làm rối loạn lipid. Bạn cũng nên kiêng các loại gia vị cay, nóng.

Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn. Đồng thời, tránh ăn quá no vì sẽ làm quá tải đường tiêu hóa và tăng áp lực lên gan. 

Bên cạnh đó, chúng ta nên xây dựng một chế độ tập luyện thể lực phù hợp, kết hợp giữa chế độ ăn hợp lý thì sẽ cải thiện được tình trạng gan nhiễm mỡ.

Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Bích Ngọc

Bác sĩ Nội tiết, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn

Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì, kiêng ăn gì? 1

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận