Nhiễm giun đũa chó mèo có nguồn lây chính từ chó và mèo. Tuy nhiên, người có thói quen ăn phủ tạng (nội tạng động vật), thịt sống, thịt chưa được chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
BS.CKI Lê Hồng Sơn, Chuyên ngành truyền nhiễm, Trưởng Khoa Phòng Khám Hai, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết, bệnh giun đũa chó xảy ra ở người do bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis), hoặc ít phổ biến hơn là giun đũa mèo (Toxocara cati).
Chúng ký sinh trong đường tiêu hóa của chó mèo rồi đẻ trứng. Các trứng này theo phân ra ngoài môi trường. Sau 1 - 2 tuần, trứng hóa phôi. Các phôi tiếp tục phát triển đến giai đoạn 3 sẽ gây bệnh cho người nếu nuốt phải.
Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ…) có thể mang nguồn bệnh nếu ăn phải các phôi này. Tiếp theo, các ấu trùng giun đi vào ruột, xâm nhập vào thành ruột rồi di chuyển đến các mô và tạo thành nhiều thể nang. Lúc này, ấu trùng không phát triển, cũng không chết đi mà ở trong trạng thái “ngủ đông”.
Nếu con người ăn thịt tái, sống hoặc nội tạng từ các vật chủ mang mầm bệnh sẽ gián tiếp đưa những nang ấu trùng giun đũa chó mèo vào cơ thể. Ấu trùng sau khi “tỉnh lại” sẽ xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương.
Theo Quyết định 1385/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ghi rõ, “người ăn phủ tạng hay thịt sống/chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ” là một trong những phương thức lây truyền bệnh.
BS.CKI Lê Hồng Sơn
Chuyên ngành truyền nhiễm
Trưởng Khoa Phòng Khám Hai, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.