Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhóm trẻ dễ mắc, dễ chuyển nặng khi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

VOH - Ước tính, có khoảng 60 % trẻ trước 1 tuổi và đến 80 % trẻ dưới 2 tuổi đã từng nhiễm virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus - RSV).

Thời gian gần đây, số trẻ nhập viện và chuyển nặng do nhiễm RSV có xu hướng tăng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vậy virus hợp bào hô hấp lây qua đâu? Nhóm trẻ nào dễ mắc, dễ chuyển nặng và phòng ngừa RSV như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Lê Trung Tuấn, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.

Nhóm đối tượng dễ nhiễm RSV và dễ chuyển nặng

Virus hợp bào hô hấp hiện nay đang là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và cũng là nguyên nhân phổ biến trên toàn cầu gây ra những nhiễm trùng hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi.

Theo thống kê, có khoảng 60 % trẻ trước 1 tuổi và đến 80 % trẻ dưới 2 tuổi đã từng nhiễm virus hợp bào hô hấp này.

Những đối tượng nhiễm virus hợp bào hô hấp có nguy cơ tiến triển nặng gồm:

  • Trẻ sinh non;
  • Trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi);
  • Trẻ dưới 2 tuổi có bệnh tim hoặc bệnh phổi bẩm sinh;
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch;
  • Những em bé bị hen suyễn, bị suy tim sung huyết.
Nhóm trẻ dễ mắc, dễ chuyển nặng khi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) 1

Virus hợp bào hô hấp RSV lây qua đâu?

Đường lây truyền của virus hợp bào hô hấp cũng như những virus gây bệnh ở đường hô hấp khác, có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua:

  • Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus được thải ra từ người bệnh;
  • Tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt nhiễm bẩn có chứa virus hoặc là quần áo, vật dụng của người bệnh, bàn tay của người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng;
  • Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người nhiễm virus hợp bào hô hấp thông qua những hành vi như là hôn, mớm thức ăn hoặc là tiếp xúc gần gũi với trẻ, người nhà, ba mẹ.

Phòng ngừa virus hợp bào hô hấp RSV

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu cho virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm virus hợp bào hô hấp thì có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng 1 lần vào mùa dịch để tăng cường miễn dịch.

  • Ngoài ra, tiêm chủng các vaccine theo như khuyến cáo đối với trẻ nhỏ.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt để cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch có thể giúp chúng ta phòng bệnh.
  • Áp dụng các nguyên tắc 5K trong phòng ngừa các bệnh lây truyền theo đường hô hấp, trong đó thì có virus hợp bào hô hấp.
Nhóm trẻ dễ mắc, dễ chuyển nặng khi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) 2

Đừng quên theo dõi chuyên mục Khỏe của VOH để cập nhật các thông tin, kiến thức hữu ích.

Bình luận