Người mắc tiêu chảy cấp sẽ xuất hiện các triệu chứng đi ngoài phân lỏng, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Đáng chú ý, bệnh có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch nếu không được phòng ngừa kịp thời.
Tỷ lệ ca mắc tiêu chảy gia tăng vào mùa hè, tại sao?
Với 47 năm kinh nghiệm trong ngành, bác sĩ Đồng Ngọc Khanh, Chuyên khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn đã đưa ra những nhận định về vấn đề này.
Tại Việt Nam, bệnh tiêu chảy cấp xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè.
Đây là thời điểm ruồi nhặng sinh sôi và phát triển mạnh. Chúng trở thành trung gian mang mầm bệnh từ nơi ô nhiễm lây truyền cho con người và thực phẩm, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có tiêu chảy.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật, nấm mốc… phát triển khiến đồ ăn nhanh ôi thiu, nguồn nước bị ô nhiễm.
Ngoài ra, vào mùa hè, điều kiện vệ sinh kém cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp.
Không chỉ xuất hiện trong mùa hè, bệnh có thể bùng phát vào các mùa khác trong năm do những yếu tố sau:
- Thức ăn bị hư hỏng
- Nguồn nước ô nhiễm
- Điều kiện vệ sinh kém
- Tay của người bị nhiễm khuẩn vô tình chạm vào đồ ăn, nước uống…
Bệnh tiêu chảy lây lan qua con đường nào?
Tiêu chảy sẽ lây truyền qua đường phân - miệng. Nói cách khác, người bệnh sau khi bài tiết ra ngoài, các hạt phân siêu nhỏ mang vi khuẩn sẽ xâm nhập vào thực phẩm và đi vào cơ thể qua đường miệng.
Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh
Chuyên khoa Nội tổng quát
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Hãy cùng theo dõi voh.com.vn - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.