Đăng nhập

TPHCM đề xuất sáp nhập hàng loạt xã, phường

00:00
00:00
00:00
TPHCM đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, phường theo tinh thần Kết luận 127/2025 của Bộ Chính trị.

Toàn bộ 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã trình đề xuất chi tiết, hướng tới mô hình chính quyền hai cấp tinh gọn, hiệu quả, đồng thời cân nhắc các yếu tố địa giới, văn hóa, lịch sử.

Theo phương án của các địa phương, sau sáp nhập, số lượng xã, phường có thể giảm tới 70% - 90%. Điển hình như quận 1, từ 10 phường có thể còn lại chỉ 2 hoặc 3 phường. Tương tự, quận Tân Bình từ 15 phường đề xuất chỉ còn 3 hoặc 4. Quận Gò Vấp cũng tính toán sáp nhập 12 phường hiện tại thành 3 phường mới, với tên gọi dự kiến là Gò Vấp, An Nhơn, Thông Tây Hội – các địa danh gắn liền với lịch sử vùng đất này.

Quận 6 đưa ra 2 phương án sáp nhập 10 phường thành 4 phường mới với tên gọi như Bình Tiên, Bình Tây, Bình Phú và Phú Lâm. Trong đó, đáng chú ý có đề xuất sáp nhập một phần phường 16 (quận 8) vào phường mới Bình Phú để khắc phục bất cập về địa giới sau khi các tuyến đường lớn như An Dương Vương, Võ Văn Kiệt hoàn thành.

TPHCM saop nhapXem toàn màn hình
Ảnh minh hoạ

Quận Phú Nhuận dự kiến giữ lại 2 tên phường: Đức Nhuận và Phú Nhuận, với lý giải xuất phát từ câu “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân”, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc đặt tên mới được các địa phương chú trọng yếu tố truyền thống, gắn kết cộng đồng, dễ nhớ, dễ nhận diện.

Không chỉ gói gọn trong địa bàn nội đô, đề xuất sáp nhập còn mở rộng phạm vi. Quận 8 đề xuất sáp nhập cả diện tích và dân số từ 4 xã của huyện Bình Chánh để tạo thành hai phường mới. TP Thủ Đức cũng đưa ra phương án lập các phường Thủ Đức 1, 2, 3, 4...

Đáng chú ý, lãnh đạo các quận cho biết việc đặt tên phường mới không đơn thuần mang tính hành chính, mà còn là dịp để tái hiện lịch sử vùng đất, vinh danh những địa danh quen thuộc đã đi vào thơ ca, ký ức người dân Sài Gòn xưa. Một số phường mới còn được đặt tên theo các đình làng cổ hay những biểu tượng phát triển đô thị, như Bàu Cát (Tân Bình) hay Bình Tây (Quận 6).

Đề xuất này được Bộ Nội vụ hướng dẫn theo Dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó nêu rõ các nguyên tắc đặt tên phải đảm bảo tính lịch sử, văn hóa, dễ đọc, dễ nhớ, có hệ thống và khoa học. Ngoài ra, việc đặt tên theo số thứ tự cũng được xem xét nhằm thuận tiện cho quá trình số hóa và quản lý dữ liệu.

Về tiêu chuẩn mới, phường sau khi sáp nhập phải có diện tích tối thiểu 35km² và dân số không dưới 50.000 người (riêng vùng núi, vùng cao là 35.000 người). Nếu sáp nhập từ 4 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì không cần xét đến tiêu chí diện tích và dân số.

Về chính sách hậu sáp nhập, Bộ Nội vụ cho biết giấy tờ cá nhân, tổ chức được cấp trước đây vẫn còn giá trị sử dụng đến hết thời hạn. Cán bộ, công chức sẽ được hỗ trợ bảo lưu phụ cấp, lương trong 6 tháng, đồng thời có kinh phí hỗ trợ đi lại, ổn định nơi làm việc mới.

TPHCM là một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương (cùng Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) phải thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính. Trong thời gian tới, các phương án từ các quận, huyện sẽ được Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND TPHCM và sau đó gửi Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt. Đây được xem là bước đi quan trọng để tinh gọn bộ máy, tối ưu quản lý và hướng tới mục tiêu phát triển đô thị hiện đại đến năm 2045.

Bình luận