Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, với các cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển đường sắt đô thị, mô hình giao thông công cộng (TOD) rất được quan tâm nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, giúp ổn định đời sống nhân dân, cảnh quan môi trường.
Thông tin về một số đề xuất về thủ tục, chính sách về chủ trương đầu tư cho các dự án, Bộ trưởng cho biết, theo quy định thông thường, dự án cần lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu, thi công, triển khai dự án, với thời gian mất từ 3-5 năm, thậm chí là 5 năm ở hai thành phố.
Nếu thành phố phải thực hiện đúng quy định về thủ tục, các tuyến đường sắt đô thị sẽ không thể kịp thời về thời gian, yêu cầu, trong khi nhu cầu xây dựng là cần thiết, các dự án cũng đủ điều kiện xác định quy mô, hướng tuyến, khả năng cân đối.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian, trình tự phê duyệt theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm.
Đối với chính sách chỉ định thầu, nếu thực hiện cũng sẽ rút ngắn thời gian thực hiện mà không phát sinh tình huống như phải đấu thầu lại, có dự án đã thực hiện chỉ định thầu tiết kiệm chi phí và phát huy hiệu quả.
Về quan ngại về rủi ro chỉ định thầu, ông Minh cho rằng sai phạm do triển khai thực hiện chứ không phải do chủ trương lựa chọn hình thức này và khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu.
Cho ý kiến về xây dựng tuyến đường sắt và đường sắt đô thị, một số đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn việc chuyển giao công nghệ, vận hành, khai thác dự án sau khi hoàn thành để tránh việc phụ thuộc công nghệ.
Bên cạnh đó cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị trong xây dựng tuyến đường sắt và đường sắt đô thị, cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe.
"Việc đặt hàng này giúp tăng trưởng trong nước, còn nếu mua nước ngoài sẽ chảy ra nước ngoài và không bao giờ chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt. Vì vậy cần đưa vào nghị quyết là ưu tiên đặt hàng” - ông Cường nhấn mạnh.