Cua thuộc lớp giáp xác, bộ mười chân. Cũng giống như tôm hay cá, cua có thể sinh sống ở nhiều môi trường gồm nước mặn, nước ngọt hay nước lợ, dẫn tới hình thành nên các loại cua khác nhau, trong đó điển hình phải kể đến cua đồng và cua biển.
1. Ăn cua có tác dụng gì với sức khỏe?
Sự khác nhau về môi trường sinh sống không chỉ khiến cua đồng và cua biển có hình dáng, đặc tính riêng biệt mà còn ảnh hưởng tới lượng dưỡng chất mà mỗi loại cua đem lại. Chính vì thế các lợi ích sức khỏe từ cua đồng và cua biển cũng có những điểm khác biệt dưới đây.
1.1 Tác dụng của cua đồng
Cua đồng hay còn gọi là điền giải, chủ yếu sống ở tầng đáy bùn sét của ruộng lúa. Đặc biệt, trong Đông y, loại cua này được xếp vào nhóm thực phẩm có tính hàn, ngọt lạnh.
Thanh nhiệt cơ thể
Nhờ có đặc tính hàn nên cua đồng thường được dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn mát lành, giúp thanh nhiệt và giải độc cơ thể. Theo đó vào những ngày hè oi nóng, bạn có thể kết hợp nấu canh cua với rau mồng tơi, mướp hoặc rau đay nhằm điều hòa thân nhiệt.
Xem thêm: Rau đay – không chỉ là loại rau giải nhiệt, chữa táo bón mà còn giúp mẹ bầu tăng tiết sữa
Phòng chống còi xương
Các phân tích dinh dưỡng chỉ ra rằng hàm lượng canxi trong cua đồng vô cùng lớn, trung bình trong khoảng 100g cua chứa tới hơn 5000mg canxi. Khoáng chất này khi vào cơ thể sẽ tham gia quá trình hình thành tế bào xương mới, phòng chống tình trạng còi xương ở trẻ nhỏ. (1)
Làm lành vết thương
Không chỉ cung cấp lượng lớn khoáng chất canxi, cua đồng còn thuộc nhóm thực phẩm đem đến các nhóm chất đạm lành mạnh như lysine, methionie, valine hay leucin,…Những dưỡng chất này đều góp phần không nhỏ giúp xây dựng và tái tạo mô tế bào, hỗ trợ làm lành vết thương nhanh chóng. (2)
Xem thêm: 6 điều cần biết về chất đạm để cơ thể luôn khỏe mạnh cân bằng
1.2 Ăn cua biển có tác dụng gì?
Khác với cua đồng, cua biển sinh sống phần lớn ở khu vực cửa sông ven biển, có kích thước khá lớn, nhiều thịt và được đánh giá là thực phẩm có tính ấm.
Ngăn ngừa thiếu máu
Bổ sung cua biển với lượng hợp lý trong khẩu phần ăn là cách giúp bạn hấp thu thêm nhóm vitamin B12 cực kì quý giá. Dưỡng chất được xem như một thành tố thiết yếu góp phần sản sinh các tế bào hồng cầu, hỗ trợ vận chuyển oxy đi nuôi tế bào trong cơ thể, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra. (3)
Xem thêm: Tất tần tật về bệnh thiếu máu, chủ động nhận biết để điều trị kịp thời và đúng cách
Bảo vệ tim mạch
Có thể nói cua biển là một trong những nguồn cung cấp dồi dào axit béo omega-3 cần thiết cho hoạt động của hệ tuần hoàn cũng như tim mạch.
Omega – 3 có khả năng giảm thiểu nồng độ cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch, thúc đẩy dòng luân chuyển máu tới tim, từ đó hạn chế tắc nghẽn động mạch và hạn chế mắc phải bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. (4)
Tăng cường trí nhớ
Một số nghiên cứu nhận thấy rằng hàm lượng lớn các dưỡng chất như đồng hay selen từ cua biển sẽ tham gia xây dựng “áo giáp” myelin giúp bảo vệ và tăng nối kết các tế bào thần kinh, cải thiện chức năng của não bộ, tăng cường trí nhớ. (5)
Tốt cho xương khớp
Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng photpho và canxi được tìm thấy trong thịt cua biển cũng tương đối lớn. Chính vì vậy, cùng với cua đồng, cua biển cũng trở thành nguồn thực phẩm rất tốt cho xương khớp, góp phần phòng tránh loãng xương và duy trì vận động dẻo dai.
Xem thêm: Giảm đau nhức xương khớp bằng các món ăn đơn giản hàng ngày
Cải thiện hệ miễn dịch
Để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích chúng ta dùng thêm cua biển, nhằm hấp thu nhóm chất chống oxy hóa riboflavin từ thịt cua – tạo “lá chắn” chống lại các mầm bệnh xâm nhập. (6)
2. Bà bầu ăn cua được không?
Tuy là nguồn thực phẩm khá quen thuộc và góp phần đem lại hương vị độc đáo cho các món ăn, song nhiều bà bầu lại khá e ngại khi thêm các loại cua vào thực đơn dưỡng thai.
Thế nhưng thực tế chuyên gia sức khỏe chia sẻ rằng nếu như mẹ bầu không có tiền sử dị ứng với những hoạt chất từ cua thì hãy yên tâm dùng để bồi bổ cho bản thân cũng như thai nhi trong bụng.
Nếu chế biến đúng cách và sử dùng lượng hợp lý, cả mẹ và bé sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe như:
- Xương khớp khỏe mạnh, giảm đau nhức ở vùng xương chậu của mẹ
- Bổ sung canxi cho em bé
- Phòng chống thiếu máu
- Cải thiện trí nhớ của mẹ
Xem thêm: Bà bầu ăn cua được không? 5 lợi ích sức khỏe và lưu ý nên biết
3. Hướng dẫn cách chọn cua ngon
Công đoạn tìm mua và lựa chọn cua ngon, chất lượng tốt sẽ đóng góp phần lớn tới việc đảm bảo hương vị thơm ngon cho các món ăn cũng như những tác dụng sức khỏe mà cua mang lại. Dưới đây xin mách bạn một vài mẹo nhỏ khi chọn mua cua đồng và cua biển.
3.1 Cách chọn cua đồng
Cua đồng sinh sản quanh năm nhưng nhiều nhất vào giai đoạn mùa hè - thu, nếu chọn mua cua đồng, bạn hãy chú ý một số đặc điểm sau:
- Chọn cua có vỏ màu vàng bóng, mai cua nâu ánh xanh, phần yếm rất cứng.
- Nên chọn cua còn sống, bò nhanh, mập mạp và đủ càng.
- Nếu thích ăn cua cái nhiều gạch, ít thịt thì hãy chú ý lựa con có yếm to, càng nhỏ. Còn nếu thích ăn cua đực ít gạch nhưng nhiều thịt, có thể lựa con càng to, yếm nhỏ.
3.2 Cách chọn cua biển
Chúng ta biết rằng giá thành của cua biển tương đối cao, nên để chọn được con cua “đáng đồng tiền” bạn đừng bỏ qua các đặc điểm này:
- Cua biển ngon, nhiều thịt thường có càng màu hồng đỏ hoặc hồng sẫm.
- Phần yếm cua cứng và chắc, rất khó ấn xuống.
- Chọn mua cua cái nhiều gạch thì phần yếm sẽ có hình đa giác, phình to, còn cua đực yếm hình tam giác có thịt nhiều hơn gạch.
4. Gợi ý một số món ngon từ cua
Tùy theo sở thích và điều kiện bạn có thể chọn mua cua đồng hoặc cua biển, song các món ăn từ mỗi loại cua đều có hương vị độc đáo riêng.
Phần lớn các bộ phận của cua đồng từ lớp vỏ, càng đến gạch cua bên trong sẽ được tận dụng tối đa để nấu các món canh cua, chả cua hoặc bún cua.
Còn với cua biển, lớp vỏ ngoài tương đối cứng nên chỉ giữ lại phần gạch và thịt cua, dùng làm nguyên liệu cho món bánh canh cua, súp cua hay miến xào cua.
Xem thêm: ‘Cẩm nang’ chế biến 8 món ngon từ cua - hấp dẫn, bổ dưỡng ai cũng ‘mê mẩn’
5. Những lưu ý an toàn cần biết khi ăn cua
Các loại cua vốn thuộc nhóm thực phẩm cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng cho cơ thể song nếu sử dụng sai cách, thiếu khoa học thì nguy cơ cao có thể mắc phải những tác dụng phụ nguy hại. Do vậy, khi ăn cua cần ghi nhớ một số lưu ý an toàn sau:
5.1 Không ăn quá nhiều
Dù là cua đồng hay cua biển, bạn cũng không nên ăn quá nhiều liên tục trong thời gian ngắn để không bị dư thừa lượng chất đạm. Theo đó, với cua đồng chỉ nên ăn khoảng 150 – 200g mỗi lần và từ 1 – 2 bữa trong tuần. Còn cua biển thì ăn tối đa 2 con một lần, từ khoảng 2 – 3 lần trong tháng là hợp lý nhất.
5.2 Hạn chế ăn trái cây sau khi ăn cua
Sau khi dùng các món ăn từ cua, cần hạn chế ăn một số loại trái cây giàu vitamin C như quả cam, hồng giòn hay quả lê nhằm tránh kết tủa tannin gây sỏi thận.
Xem thêm: Bệnh sỏi thận là gì? Tìm hiểu những thông tin chi tiết về bệnh sỏi thận
5.3 Không ăn khi bị dị ứng ngứa ngáy
Nếu cơ thể nhạy cảm với các loại hải sản như tôm, ốc hay cá thì bạn cũng cần cẩn trọng khi ăn cua. Khi nhận thấy có dấu hiệu ngứa ngáy, phát ban đỏ, hãy tạm ngưng ăn cua và tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
6. Thành phần dinh dưỡng của cua
Hàm lượng chất dinh dưỡng ở 100g thịt cua đồng và cua biển như sau:
Cua đồng (100g) | Cua biển (100g) | |
Năng lượng | 89 | 103 |
Canxi | 5040mg | 91mg |
Natri | - | 395mg |
Photpho | 430mg | 191mg |
Kali | - | 259mg |
Magie | - | 36mg |
Sắt | 4.7mg | 0.5g |
Vitamin B12 | - | 3.3µg |
Vitamin B6 | - | 0.2mg |
Vitamin B2 | 500mcg | - |
Với hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, không khó hiểu vì sao các loại cua luôn được yêu thích và lựa chọn thêm vào thực đơn. Nhưng hãy nhớ tìm mua cua có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng cũng như sử dụng đúng hàm lượng để cải thiện sức khỏe thật hiệu quả nhé.