Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các tinh bột “ẩn mình” thường bị bỏ qua hàng ngày

VOH - Trong chế độ ăn uống hàng ngày, việc lựa chọn thực phẩm rất quan trọng, ai cũng biết nên chọn đồ ăn ít muối, ít đường, ít chiên xào nhưng 'tinh bột' lại thường bị bỏ qua.

Có rất nhiều tinh bột “ẩn mình” mà nhiều người không hay biết, nếu không chú ý, mọi người có thể nạp chúng quá nhiều, dẫn đến việc thừa calo!

Theo chuyên gia dinh dưỡng, đậu Hòa Lan, bắp, củ sen... đều là tinh bột nhưng nhiều người không biết mà lầm tưởng là rau nên ăn nhiều, khiến lượng tinh bột nạp vào cơ thể quá cao.

Các tinh bột “ẩn mình” thường bị bỏ qua hàng ngày 1
Bắp, bí đỏ, khoai tây, khoai lang, củ sen... nhiều người lầm tưởng là “rau”. ”Các loại rau” này đều là thực phẩm giàu tinh bột - Ảnh: TVBS

Zhang Jiarong, Chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám Cofit (Đài Loan – Trung Quốc) chia sẻ, trước đây có một trường hợp đến Phòng khám tư vấn dinh dưỡng, ông ấy tự tin nói với chuyên gia: “Tôi thường xuyên ăn và ăn rất nhiều rau!”

Sau khi kiểm tra kỹ các thực phẩm trong chế độ ăn uống của trường hợp đó, thì thấy rằng “các loại rau” đều là bí ngô (bí đỏ, bí rợ) xào, bắp xào, khoai tây chiên, canh củ sen... ”Các loại rau” đó đều là thực phẩm giàu tinh bột.

Tinh bột là một loại carbohydrate, 1 gram carbohydrate có thể cung cấp 4 calo, là một trong những nguồn cung cấp calo chủ yếu cho chúng ta, chẳng hạn như khoai lang, bắp, khoai tây, bí đỏ... đều là nguồn tinh bột dồi dào.

Các tinh bột “ẩn mình” thường bị bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày

Các món hầm (có thể bao gồm bất kỳ sự kết hợp của các loại rau ví dụ cà rốt, khoai tây, hành tây, đậu, ớt và cà chua…), súp chua cay và súp Phúc Kiến.

Các món ăn tẩm hoặc bọc bột: như sườn xào chua ngọt, cá tẩm bột xào chua ngọt... đều là các món được tẩm bột sau đó mới đem chế biến.

Các loại thực phẩm thân rễ và các loại ngũ cốc: chẳng hạn như củ ấu, bắp, ngưu bàng, khoai mỡ, củ sen và hạt dẻ.

Các loại đậu: đậu Hoàng đế, đậu Hòa Lan, đậu đỏ, đậu xanh, đậu tằm.

Các loại bún, miến: bún gạo, miến, bánh canh, bánh khoai môn viên, bánh thạch, hạt bo bo, hạt sen…

Tất cả những thực phẩm trên đây đều chứa tinh bột, nhưng chúng “ẩn mình” làm mọi người nghĩ những thực phẩm này không có tinh bột và không chú ý, thường bỏ qua.

Đôi khi ăn rất nhiều, khiến lượng tinh bột nạp vào cơ thể quá cao, dẫn đến dư thừa calo, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các tinh bột “ẩn mình” thường bị bỏ qua hàng ngày 2
Tinh bột hoàn toàn không phải là “thứ xấu”, bản thân tinh bột sẽ không làm người ta tăng cân, tinh bột “dư thừa” trong cơ thể mới làm người ta tăng cân hoặc béo phì - Ảnh: TVBS

Tinh bột không phải là “thứ xấu”

Chuyên gia Zhang Jiarong nhấn mạnh rằng, tinh bột không phải là “thứ xấu”,  không phải “cử ăn” quá nghiêm ngặt, nhưng khuyến nghị mọi người nên chú ý đến lượng tinh bột nạp vào hàng ngày, hoặc sử dụng làm thực phẩm thay thế trong chế độ ăn uống.

Chẳng hạn như ăn bắp, bí đỏ, củ sen, bún phở... thì mọi người có thể giảm lượng cơm ăn vào, để tránh ăn quá nhiều lượng tinh bột một trong ngày.

Tinh bột hoàn toàn không phải là “thứ xấu”, bản thân tinh bột sẽ không làm người ta tăng cân, tinh bột “dư thừa” trong cơ thể mới làm người ta tăng cân hoặc béo phì.

Chuyên gia dinh dưỡng Zhang Jiarong giải thích rằng, tinh bột có thể kích thích tiết insulin và làm tăng nguy cơ tích tụ chất béo, nhưng không phải tất cả các loại tinh bột đều giống nhau.

Tinh bột tinh chế, tinh bột chứa chất xơ và vitamin tác động lên cơ thể và phản ứng trao đổi chất sẽ rất khác nhau.

Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn uống “thông minh”, chọn loại tinh bột phù hợp, cân nhắc về khẩu phần và tần suất ăn tinh bột, để giúp đường huyết luôn ổn định, tránh ở trạng thái đường huyết cao thì mọi người vẫn có thể “an tâm, vui vẻ” ăn tinh bột.

Bình luận