Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Đậu nành có tác dụng ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

VOH - Ung thư và bệnh tim đứng thứ nhất và thứ hai trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới.

Thực phẩm nào có thể ngăn ngừa hiệu quả hai loại bệnh này?

Chuyên gia dinh dưỡng lần đầu tiên khuyến khích dùng đậu nành, là loại đậu giàu protein, axit béo không bão hòa, nhiều chất xơ và không chứa cholesterol, có thể ngăn ngừa hiệu quả các loại ung thư và bệnh mãn tính.

Đậu nành có tác dụng ngăn ngừa ung thư đại trực tràng 1
Đậu nành có tác dụng tuyệt vời trong việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính - Ảnh: TVBS

Đậu nành ngăn ngừa hiệu quả các bệnh mãn tính

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

He Caixuan, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng dầu đậu nành rất giàu axit béo thiết yếu, chẳng hạn như axit linoleic và axit alpha linolenic, đồng thời chứa tới 25% axit béo không bão hòa đơn.

Việc thay thế chất béo bão hòa bằng dầu đậu nành có thể giúp giảm cholesterol mật độ thấp (LDL) và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một đánh giá trong tài liệu khoa học về dinh dưỡng thực hiện vào năm 2020 đã tổng hợp 10 nghiên cứu thế hệ, trong đó đề cập rằng ăn đậu nành có thể giảm 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một số nghiên cứu cũng cho rằng, tiêu thụ 26,7 gram đậu hũ (đậu phụ) mỗi ngày có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đậu nành đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ nhất định đối với bệnh tim mạch.

Giảm nguy cơ ung thư vú

Trước đây, mối quan hệ giữa đậu nành và ung thư vú còn gây tranh cãi do isoflavone chứa trong đậu nành, nhưng các nghiên cứu gần đây ở châu Á đã phát hiện ra rằng, tiêu thụ đậu nành có thể làm giảm 30% nguy cơ ung thư vú và bắt đầu tiêu thụ đậu nành ở giai đoạn càng sớm sẽ rất hữu ích hơn trong việc ngăn ngừa ung thư vú.

Đối với bệnh nhân ung thư vú, nghiên cứu hiện nay cho thấy việc bổ sung isoflavone đậu nành không có tác dụng phụ đối với bệnh ung thư vú và thậm chí có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh và sau mãn kinh.

Đồng thời, tiêu thụ đậu nành có thể làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư vú và cải thiện nâng cao tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư vú.

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Chuyên gia dinh dưỡng He Caixuan cho biết, các nghiên cứu trước đây cho thấy tiêu thụ đậu nành có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên tới 17%.

Từ đây, các chuyên gia suy ra điều này có thể liên quan đến protein đậu nành, chất xơ, isoflavone và stigmasterol có trong đậu nành, chúng giúp cải thiện độ nhạy insulin và giúp cơ thể chống lại chứng viêm, có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng

Chất xơ trong đậu nành có thể thúc đẩy nhu động ruột và hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Mặc dù, kết quả của các nghiên cứu trước đây về đậu nành và nguy cơ ung thư đại trực tràng không nhất quán, nhưng một số nghiên cứu tổng hợp tổng quan tài liệu từ Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy, phụ nữ có chỉ số BMI < 23 và chưa hết kinh nguyệt, nếu tiêu thụ đậu nành sẽ giúp giảm 34% nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là con số được tính bằng cách chia cân nặng cho bình phương chiều cao. Nói chung, chỉ số BMI lý tưởng nên nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9. Dưới 18,5 có nghĩa là thiếu cân và trên 24,9 có nghĩa là thừa cân.