Đậu phộng không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh. Ngành dinh dưỡng hiện đại còn cho rằng, đậu phộng rất giàu axit béo không bão hòa và là thực phẩm tốt cho việc bảo vệ tim mạch.
Tuy nhiên, đậu phộng có lượng calo cao nên ăn 1 muỗng mỗi ngày là đủ lượng calo cần thiết nên ăn mỗi ngày và phải cẩn thận trong quá trình bảo quản đậu phộng để tránh nhiễm aflatoxin.
Theo y học cổ truyền: đậu phộng làm giảm hàn đờm
Thi Thừa Tu, thầy thuốc đông y giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đậu phộng là thực phẩm rất phổ biến được bày bán khắp nơi từ trong chợ truyền thống cho đến các cửa hàng thực phẩm hoặc siêu thị. Trong kinh điển y học cổ truyền, đậu phộng và vỏ lụa của đậu phộng có chức năng khác nhau.
Hạt đậu phộng có tác dụng “hạ đờm” đối với chứng hàn đờm. Còn vỏ lụa của đậu phộng có tác dụng chủ yếu làm mát máu và cầm máu; điều trị rối loạn chảy máu hoặc chức năng đông máu kém, chẳng hạn như bệnh máu khó đông hoặc xuất huyết dưới da ở người già.
Đậu phộng rất giàu axit béo không bão hòa
Chuyên gia dinh dưỡng Tiết Vân Hoa cho biết, 80% đậu phộng là axit béo không bão hòa, trong đó axit oleic và axit linoleic là dồi dào nhất, có thể làm giảm cholesterol xấu trong máu và ngăn ngừa bệnh tim mạch. Đặc biệt, có tác dụng giúp phụ nữ mãn kinh ngăn ngừa bệnh động mạch.
Ngoài ra, đậu phộng còn là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, không khiến lượng đường trong máu tăng giảm, thích hợp cho người bệnh tiểu đường sử dụng.
Vỏ lụa đậu phộng rất giàu chất chống oxy hóa tự nhiên
Vỏ lụa đậu phộng rất giàu chất chống oxy hóa tự nhiên như proanthocyanidin, anthocyanin và resveratrol… Vỏ lụa đậu phộng cũng giàu protrombin, có thể thúc đẩy các yếu tố đông máu và có lợi cho tủy xương và hệ thống tạo máu. Nó cũng có lợi và đạt được cái gọi là chức năng bổ sung máu và cầm máu trong y học cổ truyền.
Chuyên gia dinh dưỡng Tiết Vân Hoa cho biết thêm, đậu phộng là loại thực phẩm hạt giàu dinh dưỡng nhưng có giá cả phải chăng nhất và ăn cả vỏ lụa của đậu phộng là tốt cho sức khỏe nhất!
Đậu phộng luộc và đậu phộng rang
Thầy thuốc đông y Thi Thừa Tu cho biết, tác dụng chữa bệnh của đậu phộng sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách chế biến chúng như thế nào. Trong tài liệu đông y có ghi nhận, đậu phộng có chức năng làm sạch đờm, nhưng nếu rang trên lửa nóng, sẽ làm tăng tính nóng (còn gọi là tính nhiệt) của nó, do đó rất dễ gây nên chứng nội nhiệt sẽ làm tăng hoả khí và và tạo ra đờm
Thầy thuốc Thi Thừa Tu gợi ý rằng, nhìn chung ăn đậu phộng luộc hấp sẽ thích hợp hơn là đậu phộng rang; nhưng khi mọi người có dạ dày yếu và thể chất hàn, ăn đậu phộng rang lại là phù hợp hơn.
Ngoài ra, đậu phộng có lượng calo cực cao nên những người mắc bệnh viêm nhiễm hoặc thể trạng nhiệt nên cẩn thận một chút. Những người mắc các bệnh về hệ miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, hội chứng sjogren, bệnh chàm, bệnh vẩy nến và các bệnh ngoài da khác cũng nên cẩn thận khi ăn đậu phộng.
1 khẩu phần đậu phộng mỗi ngày = 1 muỗng canh = 10 hạt đậu phộng
Đậu phộng giàu dinh dưỡng, có nhiều lợi ích sức khỏe và có tác dụng chữa bệnh. Mọi người có thể ăn đậu phộng nhiều hơn không? Theo khuyến nghị của các bác sĩ, thầy thuốc đông y và chuyên gia dinh dưỡng, mọi người nên tiêu thụ 1 khẩu phần hạt mỗi ngày. Một khẩu phần hạt khoảng 1 muỗng canh, sẽ tương đương với 5 hạt hạnh nhân, 10 hạt đậu phộng hoặc 5 hạt điều.
1 khẩu phần hạt trong 1 ngày có thể dùng một lần hoặc chia làm 3 lần, mỗi lần là 1 muỗng cà phê, trong đó 1 muỗng canh = 3 muỗng cà phê. Vì các loại hạt có hàm lượng chất béo cao nên không phù hợp tiêu thụ quá mức.
Chú ý đậu phộng bị bị mốc nhiễm aflatoxin
Chuyên gia dinh dưỡng Tiết Vân Hoa cho biết, khi mua đậu phộng tươi, mọi người nên cố gắng chọn những đậu phộng có hạt căng mọng, không bị lép, vỏ lụa hạt đậu phộng màu trắng hồng hoặc nâu nhạt. Thì đây sẽ là những hạt đậu phộng ngon.
Về bảo quản, nếu không thể ăn ngay đậu phộng tươi hoặc đậu phộng luộc hấp chín trong thời gian ngắn thì nên gói kín và cho vào tủ lạnh, còn nếu cần bảo quản lâu dài thì nên cho vào tủ đông.
Ngoài ra, đậu phộng tuy có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại chứa nhiều chất béo, không thích hợp để ăn quá nhiều đối với những người đã phẫu thuật cắt túi mật hoặc chức năng gan, túi mật và đường tiêu hóa kém thì dễ gây tiêu chảy.
Hơn nữa, đậu phộng dễ sinh ra aflatoxin trong môi trường ẩm ướt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan và dạ dày, do đó cần đặc biệt chú ý đến việc tiêu thụ và bảo quản đậu phộng.