Tiêu điểm: Nhân Humanity

Uống nước ép lựu có tác dụng gì đối với sức khỏe?

(VOH) – Có lẽ bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng chỉ từ hạt lựu bé xíu, đỏ mọng nhưng chúng ta có thể pha chế và cho ‘ra đời’ những món nước ép lựu vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng.

Thực tế nước ép lựu không phải là trào lưu “mới nổi” mà thức uống này vốn đã được rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng, bởi cung cấp cho cơ thể nguồn khoáng chất và vitamin vô cùng dồi dào. 

1. Uống nước ép lựu có tác dụng gì?

Không chỉ đơn thuần là một đồ uống giải khát ngày hè, công dụng hỗ trợ cải thiện sức khỏe của nước ép lựu cũng được đánh giá rất cao. Dưới đây là một số lợi ích bạn nhận được khi duy trì uống nước ép lựu đều đặn, khoa học: 

1.1 Điều hòa huyết áp

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, trái lựu được xếp vào nhóm quả có hàm lượng kali tương đối lớn, đặc biệt dù đem ép nước thì giá trị của khoáng chất này vẫn được giữ nguyên vẹn.

Cụ thể, 100ml nước ép lựu bổ sung cho cơ thể khoảng 536mg kali, tương đương với 15% nhu cầu hàng ngày, tăng cường loại bỏ lượng natri dư thừa và kiểm soát huyết áp không tăng cao đột ngột. 

1.2 Giảm tích tụ cholesterol    

Theo đánh giá, nước ép lựu có chứa hai nhóm chất chống oxy hóa đảm nhiệm vai trò duy trì hoạt động của hệ tuần hoàn, gồm punicalagins và ellagitannin. Các hoạt chất này có đặc tính loại bỏ sự tích tụ của cholesterol xấu lên thành mạch, hạn chế nguy cơ bị xơ vữa động mạch và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

nuoc-ep-luu-co-tac-dung-gi-ma-cac-chuyen-gia-luon-khuyen-dung-voh-0
Chất chống oxy hóa có trong nước ép lựu có thể ngăn chặn cholesterol xấu tích tụ trong thành mạch máu (Nguồn: Internet)

1.3 Cải thiện đau nhức xương khớp

Nhiều nghiên cứu đã đánh giá rằng nước ép lựu là một trong những thức uống bổ dưỡng với tính kháng viêm khá mạnh. Việc tiếp nạp thêm dưỡng chất anthocyanins và anthoxanthins từ nước ép lựu sẽ làm giảm khả năng hình thành cytokine – tác nhân gây nên tình trạng viêm xương khớp và đau nhức kéo dài. 

Xem thêm: Giảm đau nhức xương khớp bằng các món ăn đơn giản hàng ngày

1.4 Phòng chống ung thư

Bên cạnh chức năng hỗ trợ hệ tuần hoàn vận hành hiệu quả, chất chống oxy được tìm thấy trong nước ép lựu còn góp một phần không nhỏ giúp cân bằng nồng độ các gốc tự do, tăng cường ngăn chặn những tổn thương tế bào, từ đây giảm thiểu tỉ lệ mắc những bệnh lý ung thư nguy hiểm. 

1.5 Hỗ trợ hấp thu sắt

Thông thường khi cần bổ sung vi chất sắt, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta sử dụng kèm với các thực phẩm hoặc thức uống giàu vitamin C, nhằm chuyển hóa sắt non-heme thành hợp chất mà cơ thể dễ tiếp nhận hơn. 

Theo đó, cùng với nước cam hay nước chanh, nước ép lựu cũng chứa hàm lượng vitamin C cực kì lớn, tương đương với 50% nhu cầu hàng ngày, nên bạn có thể tham khảo sử dụng để đảm bảo việc hấp thu sắt thuận lợi hơn, phòng tránh nguy cơ bị thiếu máu. 

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

1.6 Kích thích tiêu hóa

Nước ép lựu có tác động khá tích cực tới hệ tiêu hóa, hỗ trợ làm mềm phần và thúc đẩy quá trình bài tiết chất thải. Ngoài ra, nhờ có nguồn chất chống oxy hóa đa đạng, sử dụng thức uống này còn giúp bạn chủ động phòng chống nhiễm khuẩn đường ruột, viêm loét dạ dày hay bệnh Crohn

1.7 Cải thiện khả năng sinh sản

Nhờ giàu hàm lượng chất chống oxy hóa cùng với khả năng ngăn ngừa tình trạng stress oxy hóa của nước ép lựu sẽ giúp cải thiện khả năng sinh sản khi uống. Vì stress oxy hóa là nguyên nhân gây suy giảm tinh trùng ở đàn ông và làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ.

1.8 Tốt cho sức khỏe răng miệng

Những dưỡng chất trong nước ép lựu có thể giúp kháng khuẩn, kháng virus và làm giảm những mảng bám trên răng miệng. Điều đó sẽ giúp bảo răng trước các vấn đề liên quan đến răng miệng và tăng cường sức khỏe của răng.

2. Nước ép lựu mix với gì ngon?

Lựu vốn đã có vị chua dịu, ngọt nhẹ nên bạn có thể đem ép trực tiếp lấy nước và sử dụng. Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức thêm nhiều hương vị mới lạ, hãy thử đem kết hợp với một vài trái cây khác xem sao nhé. Dưới đây là một số cách làm nước ép lựu thơm ngon và bổ dưỡng mà bạn nên thử làm:

2.1 Nước ép lựu nguyên chất

nuoc-ep-luu-co-tac-dung-gi-ma-cac-chuyen-gia-luon-khuyen-dung-voh-1
Nước ép lựu nguyên chất thanh mát, ngọt dịu (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Lựu: 1 – 2 trái
  • Nước cốt chanh
  • Đá viên 

Cách làm nước ép lựu nguyên chất

  • Rửa sạch phần vỏ trái lựu, để ráo nước. Sau đó cắt 1 khoanh tròn ở phần đầu trái, tiếp đến cắt dọc trên vỏ và chia thành 6 – 8 phần bằng nhau, từ từ tách nhẹ các phần, rồi dùng thìa gõ nhẹ lên vỏ trái lấy phần hạt lựu ra. 
  • Cho phần hạt lựu vào máy ép lấy nước. Trước khi dùng nên thêm chút nước cốt chanh và đá viên để hương vị hấp dẫn hơn. 

Lưu ý: Nếu không có máy ép, có thể dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn hạt lựu cùng một chút nước lọc và dùng rây lọc lấy nước, bỏ phần hạt. 

2.2 Nước ép lựu táo

nuoc-ep-luu-co-tac-dung-gi-ma-cac-chuyen-gia-luon-khuyen-dung-voh-2
Nước ép lựu táo bổ dưỡng, tốt cho đường tiêu hóa (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Lựu: 1 trái 
  • Táo: 1 trái
  • Đá viên

Cách làm nước ép lựu táo

  • Ngâm rửa sạch táo và lựu với nước muối loãng. 
  • Gọt vỏ táo, cắt thành các miếng nhỏ. Đồng thời cũng tiến hành cắt và tách hạt lựu khỏi vỏ. 
  • Đem táo cùng lựu ép lấy nước, bỏ phần bã. 
  • Nếm thử vị nếu thấy chua thì có thể thêm chút đường hoặc mất ong. Hương vị sẽ ngon hơn khi có đá viên. 

Xem thêm: Chăm uống nước ép táo theo 6 công thức này thì ‘chẳng đi đâu mà thiệt’ vì sức khỏe được cải thiện rất nhiều!

2.3 Nước ép lựu dưa hấu

Nguyên liệu
  • Dưa hấu: 1/2 quả
  • Lựu: 2 quả
  • Mật ong: 1 muỗng cà phê
Cách làm nước ép lựu dưa hấu

Lựu gọt bỏ vỏ, tách hạt lựu để riêng.

Dưa hấu gọt vỏ, bỏ bớt hạt và cắt thành từng miếng nhỏ ( nên chọn dưa hấu không hạt ).

Cho dưa hấu và lựu vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Sau khi xay xong thì lọc qua rây để loại bỏ phần cặn rồi chế ra ly.

Thêm 1 muỗng cà phê mật ong vào ly nước ép, khuấy thật đều rồi thêm đá viên vào để uống ngon hơn.

2.4 Nước ép lựu cà rốt  

nuoc-ep-luu-co-tac-dung-gi-ma-cac-chuyen-gia-luon-khuyen-dung-voh-3
Nước ép lựu cà rốt mát lạnh, giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Lựu: 1 – 2 trái
  • Cà rốt: 1 củ
  • Đá viên
  • Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê

Cách làm nước ép lựu cà rốt

  • Rửa sạch cà rốt và lựu để loại bỏ bụi bẩn. 
  • Gọt vỏ cà rốt, có thể để nguyên củ hoặc cắt thành các miếng nhỏ. 
  • Tách vỏ lựu và lấy phần hạt lựu. 
  • Tiến hành ép lần lượt lựu, rồi đến cà rốt. Hoặc có thể đem xay nhuyễn lựu và cà rốt, sau đó lọc lấy nước, bỏ phần bã. 
  • Gợi ý bạn nên hòa thêm chút mật ong vào nước ép để mùi vị thơm ngon hơn. Nếu thích uống lạnh hãy cho đá viên vào. 

Xem thêm: Có 6 công thức này, bạn ‘thỏa sức’ pha chế nước ép cà rốt ngon mê ly mà rất bổ!

2.5 Nước ép lựu nho

Nguyên liệu
  • Lựu: 1 quả
  • Nho:
Cách làm nước ép lựu nho

Lựu cắt vỏ, tách phần hạt lựu để riêng.

Nho rửa sạch qua với nước muối loãng.

Cho lựu và nho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi lọc qua rây để bỏ phần xác. Chế nước ép ra ly, thêm ít đá viên vào rồi thưởng thức.

2.6 Nước ép lựu củ dền 

nuoc-ep-luu-co-tac-dung-gi-ma-cac-chuyen-gia-luon-khuyen-dung-voh-4
Nước ép lựu củ dền đậm đà, thơm phức (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Lựu: 1 trái
  • Củ dền: 2 củ
  • Đá viên 
  • Mật ong 

Cách làm nước ép lựu củ dền

  • Rửa phần vỏ củ dền để loại sạch phần đất cát. Tiếp đến gọt vỏ, cắt thành các miếng nhỏ. 
  • Lựu cũng rửa sạch, dùng dao khía nhẹ lên vỏ, tách trái thành từng phần nhỏ và lấy phần hạt ra. 
  • Cho củ dền và lựu vào máy ép lấy nước. 
  • Nếu cần hãy thêm mật ong vào nước ép để tăng vị ngọt. 

Lưu ý: Khi pha chế nước ép lựu củ dền có thể kết hợp cùng với nước ép cam, vị chua chua ngọt ngọt hòa quyện rất độc đáo. 

Xem thêm: Nước ép củ dền: Lợi ích sức khỏe và 6 công thức pha chế cực đơn giản

3. Các lưu ý khi dùng nước ép lựu

Để đảm bảo hấp thu tối đa dưỡng chất cũng như hạn chế mắc phải các tác dụng phụ, khi dùng nước ép lựu, bạn cần thực hiện một số lưu ý quan trọng sau: 

  • Không uống quá nhiều nước ép lựu và tuyệt đối đừng dùng thay thế hoàn toàn cho nước lọc thông thường. Mỗi tuần nên uống từ 1 – 2 bữa, khoảng 120 – 150ml là tốt nhất. 
  • Thời điểm uống nước ép lựu tốt nhất là khi bụng rỗng, sau khi thức dậy hoặc cách bữa ăn gần nhất tầm 2 tiếng. 
  • Đừng vội uống 1 lần hết 1 ly nước ép lựu mà hãy uống từ từ, chậm để quá trình hấp thu diễn ra tốt hơn và không nên vừa đi vừa uống.
  • Sau khi pha chế, hãy sử dụng hết trong ngày, tránh cất trữ qua đêm. 
  • Nếu nhận thấy có dấu hiệu dị ứng ngứa ngáy, cần tạm ngưng sử dụng. 

Hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn lý do vì sao nước ép lựu luôn nằm trong danh sách thức uống được các chuyên gia khuyên dùng. Lưu lại công thức và tự pha cho mình ly nước ép bổ dưỡng này nhé! 

Bình luận