Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

'Tiết lộ' 9 tác dụng của bí đao với sức khỏe và làm đẹp

(VOH) – Bí đao không chỉ đơn thuần là loại rau củ ‘cực hợp’ để ăn trong ngày hè mà còn được xem như một dược liệu cải thiện sức khỏe. Cùng tìm hiểu thêm về tác dụng của bí đao trong bài viết nhé.

Không phải là nguyên liệu ẩm thực khó tìm kiếm hay có giá thành đắt đỏ, bí đao dường như đã gắn bó với thực đơn của nhiều gia đình. Tuy nhiên chưa chắc bạn đã “biết tuốt” những lợi ích sức khỏe cũng như công dụng làm đẹp mà loại bí này đem lại đâu đấy.

1. Tìm hiểu về bí đao

Bí đao hay bí xanh có tên khoa học là Benincasa hispida, thuộc họ bầu bí. Theo nhiều tài liệu, bí đao vốn có nguồn gốc từ Đông Nam Á, song cho tới nay đã được canh trồng rộng khắp.

Bí đao sinh trưởng theo dạng dây leo, từ vỏ, lá, hạt đến thịt của quả đều có thể sử dụng để chế biến món ăn hay điều chế thành các bài thuốc trị bệnh. Khi còn non, quả bí đao màu xanh lục có lông tơ, khi già có thể dài đến 2m và màu vỏ nhạt dần, lốm đốm "sao" trắng và thêm lớp phấn như sáp.

tiet-lo-9-tac-dung-cua-bi-dao-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-0
Từ vỏ, lá, hạt và thịt của bí đao đều có thể sử dụng (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của bí đao

Các dưỡng chất được tìm thấy từ bí đao đều vô cùng quý giá và cần thiết cho sự vận hành của cơ quan trong cơ thể, kể đến như chất xơ, vitamin C, nhóm vitamin B, khoáng chất kali, canxi, magie hay photpho. Chính vì thế, bổ sung bí đao trong khẩu phần ăn bạn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời này:

2.1 Thanh nhiệt giải độc

Bí đao thuộc nhóm rau củ có tính mát, đặc biệt lại có hàm lượng nước lớn, chiếm hơn 90% tổng thành phần. Vì vậy, loại bí này thường được phơi khô, kết hợp nấu nước với lá sen, xích tiểu đậu hay đậu gà để làm bài thuốc giúp thanh nhiệt cơ thể và đào thải độc tố.

Xem thêm: 4 loại nước thanh nhiệt bạn nên uống ngay để không lo nóng trong người, khô họng, tiểu ít

2.2 Tăng cường thị lực

Việc thiếu hụt vitamin B2 (hay hoạt chất riboflavin) có thể khiến thị lực suy yếu. Lúc này, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích bạn thêm bí đao vào thực đơn bởi hàm lượng vitamin B2 trong loại rau củ này tương đối dồi dào, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh về mắt, điển hình như tật khúc xạ, thoái hóa điểm vàng hay đục thủy tinh thể.

2.3 Bảo vệ tim mạch

Theo phân tích dinh dưỡng, trung bình trong 100g bí đao cung cấp khoảng 150mg khoáng chất kali. Dưỡng chất này khi vào cơ thể sẽ hoạt động như một chất giãn mạch, giúp duy trì huyết áp ổn định bằng cách giải phóng sức căng trong mạch máu và động mạch, đảm bảo dòng luân chuyển máu thông suốt, góp phần bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

Xem thêm: Nếu muốn có một hệ tim mạch khỏe mạnh hãy làm ngay những điều này

2.4 Kích thích tiêu hóa

Chất xơ hòa tan trong bí đao rất cần thiết cho hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm thiểu tỉ lệ mắc phải rối loạn như chứng đầy hơi, táo bón hay bệnh trĩ. Bên cạnh đó, hoạt chất này chính là chất keo bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của những vi khuẩn gây hại, phòng tránh hiệu quả các bệnh lý liên quan đến dạ dày.

tiet-lo-9-tac-dung-cua-bi-dao-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-1
Chất xơ hòa tan trong bí đao giúp hệ tiêu hóa vận hành hiệu quả (Nguồn: Internet)

2.5 Tốt cho xương khớp

Không chỉ đem tới hàm lượng lớn kali, bí đao còn bổ sung cho cơ thể các khoáng chất khác bao gồm canxi, photpho, magie hay kẽm. Những nhóm chất này đều được đánh giá là thành tố thiết yếu tham gia vào quá trình hình thành tế bào xương mới, kích thích tăng mật độ khoáng xương và củng cố hệ vận động dẻo dai, chắc khỏe.

Xem thêm: Top 15 loại thực phẩm ăn vào là khỏi lo đau nhức xương khớp

2.6 Cải thiện sức đề kháng

Thêm bí đao trong chế độ dinh dưỡng sẽ giúp bạn tiếp nạp một lượng lớn nhóm vitamin C. Theo đó, vitamin C có khả năng thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu và ngăn chặn sự đột biến của các tế bào khỏe mạnh, nhằm cải thiện sức đề kháng của cơ thể.

2.7 Ngăn ngừa thiếu máu

Hàm lượng lớn vi chất sắt trong bí đao đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh hồng cầu để vận chuyển oxy đi nuôi các tế bào trong cơ thể, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra. Từ đó đảm bảo máu lưu thông tốt đến não bộ, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

2.8 Hỗ trợ giảm cân

Sử dụng bí đao giảm cân là một phương pháp tự nhiên rất được tin dùng. Bí đao chứa lượng lớn chất xơ, lại ít calo và chất béo, đồng thời còn có hợp chất hyterin-caperin ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ trong cơ thể, nên cơ thể sẽ không bị tích lũy mỡ dẫn đến béo phì.

2.9 Dưỡng ẩm cho da

Cùng với nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh, vitamin C từ bí đao còn trực tiếp tham gia tổng hợp collagen, giúp tăng tính đàn hồi cho lớp biểu bì và dưỡng ẩm làn da.

Ngoài ra, các chị em còn tận dụng phần cao của bí đao (bí đao nghiền nhuyễn rồi đun sánh với mật ong) để điều trị mụn trứng cá, se khít lỗ chân lông và làm đều màu da.

Xem thêm: Điểm danh 9 thành phần tự nhiên chống mụn trứng cá cực hiệu quả 

3. Bà bầu ăn bí đao được không?

tiet-lo-9-tac-dung-cua-bi-dao-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-2
Bí đao là thực phẩm lành mạnh bà bầu có thể dùng trong thai kì (Nguồn: Internet)

Nếu mẹ bầu đang tìm kiếm loại rau củ bổ dưỡng và thanh mát để bồi bổ trong giai đoạn mang thai thì không nên bỏ qua trái bí đao. Các mẹ có thể dùng nước bí đao hoặc những món ăn từ bí đao trong khẩu phần hàng ngày để hấp thu thêm các chất dinh dưỡng tốt cho thai kì, nhằm tăng cường sức khỏe của bản thân cũng như em bé trong bụng.

Xem thêm: Bà bầu ăn bí đao được không? Đây là 7 lý giải có thể mẹ chưa biết

4. Một số mẹo chọn bí đao ngon

Độ ngọt thơm và mọng nước của bí đao phần lớn sẽ được thể hiện thông qua dáng hình cũng như màu sắc vỏ. Do đó, muốn chọn được trái bí đao chất lượng, bạn hãy chú ý quan sát một vài đặc điểm nổi bật dưới đây:

  • Chọn trái căng mọng, cầm chắc tay, vỏ cứng, có cuống to và mập.
  • Không nên chọn trái có vỏ mềm và dùng tay có thể ấn được bởi trái đã hái lâu ngày, dễ bị héo.
  • Màu sắc của vỏ nên xanh tươi, tránh chọn trái có màu đen sẫm vì đó thường là trái bí già, vị sẽ chua và khó ăn.
  • Nên chọn mua bí đao vào đúng mùa vụ (từ khoảng 5 tới tháng 9 dương lịch), khi đó giá thành không quá cao và chất lượng trái đạt mức độ tốt nhất.

5. Gợi ý các món ngon từ bí đao

Thông thường có lẽ bạn sẽ dùng bí đao làm nguyên liệu cho các món canh hầm hoặc đem luộc và ép lấy nước bí đao. Thế nhưng nếu muốn “biến tấu” đa dạng hơn, hãy thử tận dụng nấu cháo bí đao cho bé ăn dặm, sên mứt bí đao, trộn cùng cà rốt làm nộm bí đao hay chiên cùng trứng gà.

Hầu hết công đoạn chế biến các món ngon từ bí đao thường khá đơn giản nên đừng lo rằng sẽ tốn thời gian của bạn mà hãy bắt tay làm thử ngay nhé.

Xem thêm: 7 'bí kíp' chế biến món ngon từ bí đao khiến ai cũng mê 

6. Những lưu ý cần biết khi sử dụng bí đao

tiet-lo-9-tac-dung-cua-bi-dao-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-3
Cần sử dụng bí đao đúng cách, khoa học để tận dụng tốt các lợi ích sức khỏe (Nguồn: Internet)

Tác dụng của bí đao sẽ được phát huy hiệu quả nếu chúng ta biết sử dụng hợp lý, đủ liều lượng và đúng khoa học. Do vậy trong quá trình sử dụng bí đao, cần ghi nhớ thực hiện một số lưu ý quan trọng sau:

6.1 Không ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều bí đao trong thời gian dài vừa khiến bạn cảm thấy ngán vừa làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nguy hại. Lời khuyên là chỉ nên sử dụng bí đao từ 1 - 2 bữa trong tuần, với nước bí đao thì tốt nhất dùng khoảng 150ml/lần.

6.2 Hạn chế dùng khi thể trạng hàn

Nếu thuộc đối tượng có thể trạng hàn, huyết áp thấp hoặc đang mắc chứng tiêu chảy, bạn cũng cần tạm dừng sử dụng các món ăn từ bí đao.

Xem thêm: Ăn gì khi bị tiêu chảy? 7 loại thực phẩm sẽ giúp giải quyết vấn đề trên

6.3 Tránh ăn bí đao sống

Ăn bí đao còn sống hoàn toàn không được khuyến khích bởi có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, nôn mửa và ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa. Hãy chú ý làm sạch và chế biến chín bí đao trước khi ăn nhé.

7. Thành phần dinh dưỡng của bí đao

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong 100g bí đao (phần ăn được) được phân tích như sau:

  • Nước: 95.5 g
  • Năng lượng: 12 Kcal
  • Chất đạm: 0.6g
  • Chất đường bột: 2.4g
  • Chất xơ: 1.0g
  • Canxi: 26mg
  • Sắt: 0.30mg
  • Magie: 8mg
  • Photpho: 23mg
  • Kali: 150mg
  • Natri: 13mg
  • Vitamin C: 16mg
  • Vitamin B1: 0.01mg
  • Vitamin B2: 0.02mg
  • Vitamin PP: 0.3mg

Hương vị thơm ngon, thanh mát của bí đao vừa góp phần làm trọn vị bữa cơm gia đình, vừa đem đến nguồn chất dinh dưỡng quý giá. Song đừng quên rằng để tận dụng tốt các tác dụng của bí đao mang lại thì bạn phải có chế độ ăn uống, sử dụng đúng cách và an toàn đấy nhé.