Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khám phá những tác dụng của lươn dành cho sức khỏe

(VOH) – Lươn được xếp vào nhóm thực phẩm giàu dưỡng chất. Thịt lươn được sử dụng để chế biến thành nhiều món ngon bổ dưỡng. Hơn thế, tác dụng của lươn cũng cực kỳ tốt cho sức khỏe.

Lươn là một trong 4 món tươi ngon dưới sông (tứ đại hà tiên), cũng được mệnh danh là “sâm động vật” dưới nước. Thịt lươn có thành phần dinh dưỡng cao và luôn được lựa chọn làm thức ăn bổ dưỡng cho mọi người.

1. Ăn lươn có tác dụng gì?

Lươn là một loài cá có hiện tượng sinh sản lưỡng tính, thuộc họ Lươn (Synbranchidae). Người phương Đông gọi lươn là thiên ngư (cá lành), trường ngư, hoàng đán, hoàng thiện, hải xà, đán ngư... thực phẩm này được cả Đông y lẫn Y học hiện đại nghiên cứu và ghi nhận nhiều lợi ích sức khỏe.

tac-dung-cua-luon-voh-0
Ăn thịt lươn có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

1.1 Tác dụng của lươn theo Đông y

Trong Đông y, lươn có tính ôn, vị ngọt, tác dụng của lươn giúp bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt, thanh nhiệt, an thần, mạnh gân xương, nhuận tràng. Do đó, nếu thịt lươn được chế biến đúng cách sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn:

  • Giúp phòng và chữa viêm gan, bổ âm mát gan: đây là một trong những công dụng nổi bật nhất của thịt lươn.
  • Cải thiện chứng suy nhược cơ thể, bồi dưỡng khí huyết. Những món ăn từ lươn khá tốt cho người gầy, thể trạng yếu, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ sau sinh, khí huyết không điều hòa.
  • Ăn lươn có tác dụng rất tốt cho xương khớp, có thể giúp giảm đau nhức xương sống, phong thấp ở người già
  • Một trong những tác dụng của lươn là hỗ trợ điều trị các bệnh trĩ nội. Ăn thịt lươn nước ngọt hoặc lươn biển để giúp cầm máu và tiêu búi trĩ.
  • Ăn những món ăn từ thịt lươn giúp bổ thần kinh, tăng cường trí não cho những người phải làm việc trí óc
  • Hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục, sinh sản cho cả nam và nữ
  • Chữa bệnh mồ hôi tay, chân, bệnh phong thấp
  • Chữa khí hư suy nhược sau sinh

Ngoài ra, một số tài liệu nước ngoài còn ghi chép một số món ăn bài thuốc có công dụng chữa bệnh từ thịt lươn như:

  • Thịt lươn hấp cơm được xem như một món ăn bài thuốc chữa chứng vàng da - bệnh hoàng thống.
  • Thịt lươn nấu ngó sen có tác dụng chữa các triệu chứng như rong kinh, băng huyết.
  • Thịt lươn cuốn lá lốt nướng còn có tác dụng chữa tê thấp.
  • Thịt lươn hầm với đỗ đen có tác dụng bổ thần kinh.
  • Ninh nhừ thịt lươn với mề gà có thể giúp trị bệnh cam tích ở trẻ em.

Lưu ý: Người bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu thì không nên ăn lươn.

1.2 Công dụng của thịt lươn theo Y học hiện đại

Các nghiên cứu y học hiện đại cũng cho thấy, thịt lươn chứa nhiều chất xơ, chất béo, nhiều loại vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Một số tác dụng của lươn có thể kể đến như:

Tăng cường phát triển của não

Trong thịt lươn có chứa chất béo, mặc dù không nhiều nhưng thành phần chất béo trong thịt lươn đều là axit béo không bão hòa. Đây là loại axit béo có lợi cho sự phát triển não. Đồng thời có thể hạn chế chứng mất trí nhớ ở người già.

Bảo vệ gan và mắt

Thịt lươn là một nguồn giàu vitamin A. Vitamin A là chất đóng vai trò quan trọng làm giảm sự lão hóa của tế bào gan và tăng cường chức năng gan. Hơn thế, vitamin A còn có tác dụng bảo vệ mắt, giúp tăng cường sức khỏe niêm mạc và giác mạc, chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên.

Bổ máu

Thịt lươn chứa rất nhiều protein và sắt. Cả hai chất này đều là thành phần giúp tổng hợp hemoglobin, có tác dụng vận chuyển oxy cho cơ và máu trong cơ thể con người. Vì thế ăn thịt lươn có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong cơ thể.

Xem thêm: Tất tần tật về bệnh thiếu máu, chủ động nhận biết để điều trị kịp thời và đúng cách

Tăng cường và hồi phục sức khỏe

Thịt lươn đồng hay các loài cá đều là thực phẩm thích hợp nhất để ăn là sau khi bị bệnh và sau sinh.

tac-dung-cua-luon-voh-1
Thịt lươn có tác dụng giúp cơ thể khỏe mạnh và phát triển về thể chất (Nguồn: Internet)

Lươn là một loại thực phẩm giàu protein, có tác dụng giữ cho cơ thể sống khỏe mạnh và phát triển về thể chất. Ngoài ra, protein còn giúp duy trì phát triển cho xương, sụn, máu và các bộ phận khác trong cơ thể.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Lươn giàu thành phần dinh dưỡng, các dưỡng chất có trong thịt lươn đóng vai trò thiết yếu để hệ miễn dịch hoạt động đúng chức năng, giúp cơ thể có thể chống chọi lại một số bệnh vặt thông thường.

Làm đẹp da

Trong thịt lươn đều chứa nhiều hàm lượng vitamin A và vitamin C.

Vitamin C có tác dụng giúp làn da trở nên tươi sáng và có sức sống hơn, không bị khô hoặc bị nếp nhăn do ảnh hưởng sự lão hóa. Trong khi vitamin A sẽ giúp loại bỏ các tế bào chết ở da, tránh phát sinh mụn, đông thời ngăn chặn tác hại của ánh nắng mặt trời, bằng cách làm gián đoạn quá trình phá vỡ collagen.

Ngoài ra ăn thịt lươn còn có tác dụng giúp nuôi dưỡng da, tóc và móng tay.

Điều chỉnh và cân bằng cơ thể

Thịt lươn rất giàu photpho - một khoáng chất thiết yếu đối với sự phát triển của xương, răng, tim, não…có vai trò thúc đẩy tăng trưởng, sửa chữa các mô và các bộ phận khác trong cơ thể để tạo ra năng lượng và sức mạnh.

Ngoài ra, photpho còn là chất tham gia vào việc điều chỉnh, cân bằng, và sử dụng các chất vitamin. Như vitamin B, D và các khoáng chất khác.

2. Bà bầu ăn lươn có tốt không?

Đông y khuyên rằng, phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ không nên ăn thịt lươn. Tuy nhiên, những nghiên cứu y học hiện đại lại cho rằng, thịt lươn cũng là một thực phẩm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ bầu nếu được chế biến đúng cách và khoa học.

tac-dung-cua-luon-voh-2
Bà bầu có thể ăn thịt lươn nếu được chế biến đúng cách và khoa học (Nguồn: Internet)

Một số công dụng của thịt lươn đối với bà bầu có thể kể đến như:

  • Giúp tăng cường sinh lực
  • Cung cấp chất đạm cho cơ thể
  • Cung cấp các loại vitamin cần thiết như vitamin A, vitamin B12...
  • Cải thiện cơ bắp và kiểm soát cân nặng

Xem thêm: Bà bầu ăn lươn và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

3. Tác dụng của lươn với trẻ nhỏ

Chế độ dinh dưỡng của trẻ nhỏ khác khác với người lớn, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi ăn dặm.

Một số loại thực phẩm được khuyến cáo không nên cho trẻ ăn quá sớm vì có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, thịt lươn không nằm trong danh sách những loại thực phẩm trẻ không được phép ăn.

Thực tế, trẻ em trên 1 tuổi có thể ăn các loại cháo lươn cho trẻ ăn dặm vì giá trị dinh dưỡng của thịt lươn rất cao, giúp bé bổ sung dinh dưỡng hiệu quả, bồi bổ cơ thể. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển trí tuệ hệ thần kinh và sự phát triển võng mạc của bé.

Tuy nhiên, không lạm dụng cho trẻ ăn lươn quá nhiều vì lươn dễ gây dị ứng ở một mức độ nhất định. Những bé có tiền sử bị dị ứng cần hết sức thận trọng khi ăn thịt lươn.

Khi cho bé ăn thịt lươn, mẹ cần giã nhuyễn thịt lươn hoặc thái hạt lựu hoặc chặt thành từng miếng nhỏ để bé không bị hóc. Nếu lần đầu tiên cho bé ăn lươn chỉ nên cho bé ăn một ít thịt, rồi chú ý xem bé có bị dị ứng không, nếu bé có cảm giác khó chịu thì mẹ cần loại bỏ thịt lươn ra khỏi khẩu phần ăn của bé và trao đổi với bác sĩ.

Xem thêm: Cách giúp mẹ nhận biết và điều trị nhanh bệnh dị ứng ở trẻ em

4. Một số món ăn ngon từ thịt lươn

Lươn là nguyên liệu phổ biến cho nhiều món ăn ngon, không chỉ thịt mà xương lươn cũng có thể tận dụng để nấu ăn.

Ở miền Nam có nhiều cách chế biến lươn như xào lăn, xé phay, nấu lẩu, món gỏi lươn bắp chuối hột, cháo lươn nấu với đậu xanh. Miền Trung có món cháo lươn nấu nghệ, còn tại miền Bắc, một trong những món ăn nổi tiếng có thể kể đến là miến lươn.

Xem thêm: Học nấu 12 món ngon từ lươn tuy dân giã nhưng cực kỳ hấp dẫn, ngon cơm

5. Ăn lươn nhiều có tốt không?

Lươn là thực phẩm lành tính, tuy nhiên, do thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục…cộng với thói ăn tạp, nên hệ tiêu hóa và thịt của lươn đều có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng.

tac-dung-cua-luon-voh-3
Thịt lươn có thể có chưa kí sinh trùng nếu chỉ được nấu nương qua loa (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong thịt lươn có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không mua lươn đã chết hoặc ươn về chế biến. Trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất histidine tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và có thể chuyển hóa thành chất độc histamine gây ra dị ứng miễn dịch có hại cho con người.

6. Hướng dẫn cách chế biến lươn hết nhớt

Thông thường, những người bận rộn có thể mua lươn làm sẵn để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, một số người vẫn có thói quen mua lươn sống về để chế biến.

Lươn có lớp da nhớt bên ngoài, vì thế khi làm thịt bạn cần phải làm theo cách đặc biệt. Dưới đây là một số cách chế biến có thể giúp làm sạch lớp nhớt bên ngoài của lươn:

  • Dùng nước cốt chanh hoặc nước vo gạo để vuốt lên mình lươn đến khi nào không còn cảm giác nhớt và lươn hết giãy đạp
  • Dùng nước ấm, cho lươn vào ngâm 15 phút cho sạch nhớt
  • Lấy tro bếp chà xát lên thân lươn rồi vuốt sạch, xả kỹ với nước

Sau khi làm sạch hết nhớt trên thân lươn, bạn mổ bụng, bỏ ruột, rửa sạch bằng nước muối, hấp chín lươn rồi gạc lấy thịt. Không ngâm lươn vào nước khi đã luộc chín vì làm vậy lươn sẽ bị tanh.

7. Thành phần dinh dưỡng của lươn

Thịt lươn có thành phần dinh dưỡng cao. Trong 100 gam thịt lươn có chứa một số chất dinh dưỡng sau đây:

  • Chất đạm: 18.7g
  • Chất béo: 0.9g  
  • Photpho: 150 mg
  • Canxi: 39 mg
  • Sắt: 1.6 mg
  • Ngoài ra, còn có chứa các vitamin A, D các vitamin B1, B2, B6 và PP.

Nhìn chung, những tác dụng của lươn đối với sức khỏe là vô cùng quý giá. Nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng, lại là thực phẩm lành tính nên thịt lươn luôn được chọn lựa là thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ.

Bình luận