Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Giải đáp câu hỏi: Tiểu đường ăn đậu phộng được không?

(VOH) - Đậu phộng là một thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh. Tuy nhiên tác động của nó với bệnh nhân tiểu đường vẫn còn nhiều tranh cãi. Vậy tiểu đường ăn đậu phộng được không?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng rất nặng nề như các bệnh tim mạch, mù lòa và suy thận. Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát căn bệnh này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng với bệnh nhân tiểu đường.

Tuy nhiên, đậu phộng cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường. Hãy đọc để tìm hiểu thêm về những rủi ro và lợi ích của việc ăn đậu phộng và cách bổ sung đậu phộng vào chế độ ăn của người tiểu đường như thế nào là đúng.

1. Lợi ích của đậu phộng đối với người mắc bệnh tiểu đường

Ăn đậu phộng hoặc bơ đậu phộng có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Đậu phộng chứa nhiều chất béo không bão hòa và các chất dinh dưỡng khác giúp cơ thể điều chỉnh insulin.

1.1 Đậu phộng giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Đậu phộng có hàm lượng carbs thấp, chỉ chiếm khoảng 13-16% tổng trọng lượng. Thêm vào đó, đậu phộng có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) là 13, đây là mức GI thấp, có nghĩa là nó không làm tăng đột biến lượng đường huyết sau ăn. Đậu phộng còn giúp làm giảm mức tăng đột biến đường huyết của các loại thực phẩm có GI cao hơn khi kết hợp với nhau. 

Do đó, đậu phộng là một món ăn nhẹ tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Ăn đậu phộng hoặc bơ đậu phộng vào buổi sáng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu suốt cả ngày. 

giai-dap-cau-hoi-tieu-duong-an-dau-phong-duoc-khong-voh
Bữa ăn sáng bằng đậu phộng tốt cho người tiểu đường (Nguồn: Internet)

Một lý do nữa khiến đậu phộng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu là vì nó chứa một lượng lớn magie - một khoáng chất có tác dụng duy trì đường huyết. Một khẩu phần (khoảng 28g đậu phộng) chứa 12% lượng magie được khuyến nghị hàng ngày.

1.2 Đậu phộng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ăn đậu phộng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, hai biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. 

Ngoài ra, canxi, magiê và kali có nhiều trong đậu phộng đều có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch. Chúng làm giảm huyết áp và giảm lượng đường trong máu.

Xem thêm: 12 thực phẩm tốt cho tim mạch nên ăn ngay từ bây giờ

1.3 Đậu phộng hỗ trợ kiểm soát cân nặng

Đậu phộng làm tăng cảm giác no, dẫn đến ít thèm ăn hơn, điều này sẽ giúp duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Đậu phộng có thể chứa nhiều chất béo và calo, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng, nếu sử dụng điều độ, chúng có thể giúp giảm cân và kiểm soát cân nặng cũng như chỉ số khối cơ thể (BMI).

2. Những rủi ro của đậu phộng đối với bệnh nhân tiểu đường

Đậu phộng có những tác động tốt cho bệnh nhân bệnh tiểu đường. Tuy nhiên nó cần được sử dụng một cách hợp lý. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi ăn đậu phộng đối với người tiểu đường.

2.1 Đậu phộng giàu axit béo Omega 6

Đậu phộng chứa nhiều axit béo omega-6 hơn các loại hạt khác. Ăn quá nhiều omega-6 làm tăng triệu chứng viêm mãn tính, triệu chứng tiểu đường và tăng nguy cơ béo phì. 

giai-dap-cau-hoi-tieu-duong-an-dau-phong-duoc-khong-1voh
Nên kết hợp đậu phộng với các loại hạt giàu omega-3 khác (Nguồn: Internet)

Vì vậy, cần chú ý đảm bảo cân bằng chất béo omega-3 và omega-6 trong chế độ ăn uống. Nếu thường xuyên ăn đậu phộng, thì cũng cần tiêu thụ thêm các loại thực phẩm có chứa axit béo omega-3, chẳng hạn như quả óc chó, hạt lanhcác loại cá nhiều dầu như cá mòi và cá hồi.

2.2 Sản phẩm từ đậu phộng chứa nhiều muối và đường

Các sản phẩm từ đậu phộng thường được thêm muối và đường trong quá trình sản xuất và chế biến. Các gia vị này không tốt cho người bệnh tiểu đường. 

Đặc biệt, bơ đậu phộng có thể được thêm chất béo, dầu và đường. Khi chọn bơ đậu phộng, cần lưu ý rằng loại bơ tự nhiên, hạn chế các thành phần khác là lựa chọn tốt nhất.

2.3 Đậu phộng giàu calo

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng cần nhớ rằng đậu phộng là một thực phẩm có hàm lượng calo tương đối cao vì vậy nên ăn ở mức độ vừa phải. 

Một nửa chén đậu phộng sống khoảng 100g chứa tới 515 calo, hơn rất nhiều so với các loại đậu khác.

Xem thêm: Nhịn ăn nhưng cân nặng vẫn tăng ‘vù vù’, chính là do bạn đã dung nạp 11 loại thực phẩm giàu calo sau

2.4 Đậu phộng có thể gây dị ứng

Có lẽ rủi ro lớn nhất của đậu phộng là nó có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng cho một số người. Các triệu chứng có thể là: sổ mũi, phản ứng ở da như nổi mề đay, đỏ hoặc sưng, ngứa trong hoặc xung quanh miệng và cổ họng, các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, co thắt dạ dày, buồn nôn hoặc nôn, khó thở hoặc thở khò khè.

giai-dap-cau-hoi-tieu-duong-an-dau-phong-duoc-khong-2voh
Những người có tiền sử dị ứng với các loại hạt nên cẩn thận khi ăn đậu phộng (Nguồn: Internet)

Hãy tìm hiểu các triệu chứng của dị ứng đậu phộng, để có thể tự giúp mình hoặc người thân nếu điều này xảy ra.

2.5 Đậu phộng có thể có nấm mốc aflatoxin

Một loại nấm mốc thường có trên đậu phộng tạo ra độc tố gọi là aflatoxin. Những người mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề về gan, thận nên hạn chế tiếp xúc với aflatoxin.

3. Cách ăn đậu phộng đối với bệnh nhân tiểu đường

Vì đậu phộng có ít carbohydrate và chỉ số đường huyết thực phẩm thấp nên những người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn chúng một cách điều độ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chất béo, muối hoặc đường được thêm vào trong lúc chế biến có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề khác, chẳng hạn như cholesterol cao và huyết áp. Cách tốt nhất để ăn đậu phộng là ở dạng nguyên chất, không thêm gia vị.

Vì lý do này, mọi người nên kiểm tra nhãn dinh dưỡng của các món ăn nhẹ từ đậu phộng được làm sẵn, tính lượng calo và carbs cho phù hợp với chế độ ăn của mình. Nói chung, một người bệnh tiểu đường không nên quá 100g đậu phộng mỗi ngày.

Nếu bạn bị dị ứng hoặc đơn giản là không thích đậu phộng, có những lựa chọn khác để thay thế, chẳng hạn như óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương. Những loại hạt này có thành phần dinh dưỡng tương tự như đậu phộng và có lợi trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

Đậu phộng có thể có tác động tích cực đến lượng đường trong máu, sức khỏe tim mạch và duy trì cân nặng hợp lý. Điều này khiến chúng trở thành một lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn những món ăn nhẹ khác. Tuy nhiên, đậu phộng cũng chứa nhiều calo, đậu phộng đã qua chế biến có thể chứa nhiều natri, đường, chất béo và các chất phụ gia khác, nên cần chú ý khi lựa chọn.