Giấc mơ “1001 thư viện sách” cho trẻ em nghèo
Hành trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ấy, cũng chính là hành trình 17 năm anh Nguyễn Tú Anh thực hiện dự án Chủ Nhật Yêu Thương. Mục đích là để mang sách và các thiết bị giáo dục lên khắp các vùng núi cao, bản xa, hải đảo,... nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về các điều kiện cơ bản. Với hy vọng giúp những đứa trẻ ở đây có một tương lai tương sáng, tâm hồn phong phú, giàu có hơn cả về vật chất và tri thức.
Chia sẻ với Podcast Sống Thực Tích Cực! về tên của dự án, anh bộc bạch: “Thật ra, tên gọi đơn giản chỉ là được ghép bởi thời gian và mục đích hoạt động của nhóm. Khi tất cả các ngày còn lại trong tuần, mọi người phải đi làm để lo bản thân, cho gia đình, cho cuộc sống riêng tư, chỉ có chủ nhật để dành cho cộng đồng. Bên cạnh đó, thứ mà nhóm cho đi nhiều nhất chính là tình yêu thương – Vậy là Chủ Nhật Yêu Thương ra đời”.
1001 thư viện sách cho trẻ em nghèo đối với bản thân anh Tú Anh là con số cổ tích giúp anh có thêm động lực hiện thực hóa giấc mơ bản làng nào cũng có thư viện. “Đem sách lên bản là sứ mệnh của cuộc đời, càng mang được nhiều sách cho trẻ em vùng cao, tôi càng vui!” – anh cười, mắt long lanh, nói.
Dân bản thờ ơ vì sách... không ăn được
Thời gian đầu, vấn đề khó khăn lớn nhất với Chủ Nhật Yêu Thương là nguồn sách. Một mình anh Tú Anh kêu gọi bạn bè quyên góp được vài chục cuốn, rồi tự bỏ tiền ra mua thêm. Chật vật mãi mới gom góp được mấy trăm cuốn, tỉ mỉ phân loại từng đầu sách như truyện tranh, sách giáo khoa, sách dạy kỹ năng sống, sách tiếng anh...
Nhưng khi mang sách lên các bản làng, bà con lại thờ ơ, không quý trọng. Trưởng nhóm Chủ Nhật Yêu Thương kể lại trong Podcast, khi thấy có đoàn thiện nguyện lên bà con mừng lắm: “Họ tưởng mình mang gạo, mang tiền hay nhu yếu phẩm lên, nhưng khi biết mang sách, ai cũng thờ ơ, vì sách không thể nấu lên để ăn, không thể cắt ra để may quần áo mặc”.
Lúc ấy, các thành viên chỉ biết tự an ủi lẫn nhau, cùng vượt qua thực tế nghe có vẻ hơi phũ phàng. Tuy nhiên, may mắn đã không ai bỏ cuộc. Bởi họ biết, đọc sách không thể giúp các em thành công ngay nhưng lâu dài sẽ có kết quả xứng đáng.
Đưa cả sách vào... tù
Hoạt động được gọi với tên chính thức là “Thư viên trong nhà tù”, 1 trong 5 đầu mục hoạt động của Chủ Nhật Yêu Thương, bao gồm: Thư viện trong trường học, thư viện trong nhà văn hóa thôn bản, thư viện gia đình, thư viện trong nhà thờ, nhà chùa và cuối cùng là thư viện trong nhà tù.
Theo chia sẻ từ Chủ Nhật Yêu Thương, “Thư viện trong nhà tù” được thực hiện đầu tiên tại Gia Lai và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực.
“Nhà tù là nơi cần rất nhiều sách nhưng số lượng sách có thể đưa vào đây không nhiều do đòi hỏi khắt khe hơn những nơi khác. Các quyển được nhóm chọn gửi vào chủ yếu là sách về tình yêu thương, như Hạt giống tâm hồn, Những tấm lòng cao cả,... và sách dạy về kỹ năng, nghề nghiệp.”
Chủ Nhật Yêu Thương hy vọng sẽ phần nào giúp những phạm nhân thay đổi về suy nghĩ, cách nhìn, biết thêm những nghề nghiệp mới để có thể tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Muốn lo việc thiên hạ trước hết phải “trị” được việc nhà
Khi được Sống Thực Tích Cực! hỏi sự quan tâm của các thành viên trong gia đình về việc làm ý nghĩa của mình như thế nào, anh Nguyễn Tú Anh cho biết, lúc bản thân chưa lấy vợ, ba mẹ anh rất thoải mái trong việc này, làm gì cũng được miễn đừng xấu hay vi phạm pháp luật.
Những điều tử tế thường đến từ những việc tử tế, anh gặp và kết hôn với vợ khi chị là tình nguyện viên đến Chủ Nhật Yêu Thương để quyên góp và phân loại sách. Lâu dần, anh chị tham gia nhiều hơn với nhau trong những chuyến thiện nguyện lên vùng cao và quyết định kết hôn khi “cả hai đều đã lớn tuổi mà vẫn còn độc thân” (theo cách nói dí dởm của anh Tú Anh).
Tháng 11/ 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM có những diễn biến mới, cũng là lúc lễ cưới đặc biệt diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1). Không dựng cổng rạp, không sân khấu, vợ chồng anh chỉ đứng đó với vỏn vẹn 1 cái bàn, chỉ nhận sách và không nhận tiền mừng cưới.
Trong hành trình thực hiện dự án, vấn đề cân bằng việc riêng của các nhân và việc chung của cộng đồng luôn là câu hỏi luôn được anh Tú Anh quan tâm. Anh cho biết, để có thể yên tâm thực những hoạt động cộng đồng, trước hết cần phải chu toàn mọi thứ cho gia đình.
“Mình luôn tranh thủ sắp xếp mọi thứ hợp lý, triệt để dùng thời gian một cách hiệu quả để vừa lo được cho kinh tế của gia đình mà vừa lo được cho ước mơ mình đang theo đuổi. Vì cho dù ngoài xã hội mình có làm cả trăm, cả nghìn việc tốt nhưng để vợ con nheo nhóc, thiếu thốn thì mình cũng là một người đàn ông chẳng ra gì”.
Nguyễn Tú Anh cùng Chủ Nhật Yêu Thương đã và đang từng ngày làm phong phú hơn những thư viện vùng cao. Trong năm 2024, Chủ Nhật Yêu Thương mong muốn mang nhiều sách hơn nữa gửi tặng cho các bạn nhỏ trên khắp Việt Nam. Những cuốn sách nghĩa tình ấy sẽ giúp trẻ em nơi bản xa, núi cao có được một cuộc sống tinh thần phong phú hơn, điều mà các em thiếu thốn suốt nhiều năm qua.
Hãy cùng lắng nghe những giây phút trải lòng của Nguyễn Tú Anh trong Podcast Sống Thực Tích Cực!