Một chuyên gia chăm sóc lồng ngực và bệnh nặng cho biết, việc suy dinh dưỡng hoặc sụt giảm cân do bệnh tật không phải là chuyện đương nhiên mà đi kèm với nó là những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe.
Các bác sĩ, chuyên gia y tế nêu ra chi tiết 5 nhóm người nguy cơ cao và chỉ ra 4 hậu quả nghiêm trọng cần cảnh giác về sụt giảm cân và suy dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi mọi người cần chú ý đến vấn đề sức khỏe dễ bị bỏ qua này.

Suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh tật
Hoàng Hiên, một chuyên gia chăm sóc lồng ngực và bệnh nặng có nhiều năm kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, suy dinh dưỡng hoặc sụt giảm cân do bệnh tật gây ra khác với suy dinh dưỡng do các yếu tố kinh tế, xã hội nói chung tác động đến.
Bệnh tật có thể gây ra phản ứng viêm toàn thân và tiêu tốn một lượng lớn chất dinh dưỡng của cơ thể trong thời gian ngắn, dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngoài ra, lượng thức ăn ăn vào và khả năng hấp thụ dinh dưỡng bị sụt giảm trong thời gian bị bệnh, cũng dễ khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc sụt cân nghiêm trọng.
Theo thống kê, 30 đến 50% bệnh nhân nhập viện, 40% bệnh nhân ung thư, 30 đến 70% bệnh nhân cao tuổi, 24% bệnh nhân nhập viện vì bệnh tim mạch hoặc phổi và 38 đến 78% bệnh nhân có tình trạng nguy kịch là 5 nhóm người đều phải đối mặt nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc sụt giảm cân do bệnh tật.
Chuyên gia Hoàng Hiên nhấn mạnh, không nên đánh giá thấp vấn đề này vì nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và đặc biệt là tăng gánh nặng chi phí điều trị bệnh.
Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tử vong lên 3,4 lần
Chuyên gia Hoàng Hiên cho biết thêm, tình trạng suy dinh dưỡng hoặc sụt cân do bệnh tật sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, nguy cơ tử vong tăng 3,4 lần, thời gian nằm viện dài hơn 1,9 lần, chi phí nằm viện trung bình tăng 30,13% và nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, lỡ loét tăng 2,2 lần.
Mặc dù bổ sung dinh dưỡng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị bị suy dinh dưỡng và cải thiện tình trạng bệnh tật nhưng hầu hết bệnh nhân vẫn không được điều trị thích hợp.
WHO kêu gọi chú ý đến tình trạng suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh tật
Đối mặt với vấn đề ngày càng gia tăng này, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước chú ý đến tình trạng suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh tật của người dân nước mình.
Chuyên gia Hoàng Hiên cho biết, đối với tất cả bệnh nhân mắc phải mọi căn bệnh, đặc biệt là người già và bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, cần được hỗ trợ dinh dưỡng cá nhân hóa, bao gồm các biện pháp sàng lọc, đánh giá, chẩn đoán và theo dõi để ngăn ngừa và điều trị sớm vấn đề suy dinh dưỡng ở họ.
Dinh dưỡng cá nhân hóa hay có tên gọi khác là dinh dưỡng chính xác, đây là chế độ dinh dưỡng được thiết lập và điều chỉnh một cách chính xác theo đặc điểm của từng cá nhân cụ thể để đảm bảo cho họ làm sao có được trạng thái sức khỏe tốt nhất, hỗ trợ điều trị bệnh tật và góp phần ngăn ngừa bệnh tật.
Bác sĩ nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân trong quá trình điều trị
Ngoài ra, Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cũng kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường đào tạo các chuyên gia y tế về dinh dưỡng lâm sàng. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các nước xem suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh tật là một vấn đề quan trọng, thực hiện hỗ trợ dinh dưỡng trong công tác chăm sóc ban đầu hoặc hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị ngoại trú và nội trú, đồng thời thường xuyên nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho các chuyên gia y tế.
Chuyên gia Hoàng Hiên thật lòng chia sẻ, trên thực tế có nhiều bác sĩ chỉ chú ý đến tình trạng bệnh đang điều trị mà ít quan tâm đền vấn đề dinh dưỡng của bệnh nhân, trong khi đó nếu bệnh nhân không có dinh dưỡng, thì phương pháp điều trị bệnh và thuốc men cũng sẽ không thể phát huy hết tác dụng chữa bệnh.
Do đó, chuyên gia Hoàng Hiên khuyến cáo mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân đang nằm viện điều trị bệnh và các chuyên gia y tế cùng nhau quan tâm đến vấn đề sức khỏe dễ bị bỏ qua này, để sớm ngăn ngừa và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng hoặc sụt giảm cân liên quan đến bệnh tật và đồng thời giảm thiểu các hậu quả nghiêm trọng do suy dinh dưỡng gây ra.