Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyện kinh tế 11/3: Lý giải mức tăng chóng mặt của giá vàng | Du lịch nội địa lo lắng khi giá trần vé máy bay tăng

VOH - Thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực, có nên mua nhà?; Chợ truyền thống phải thích nghi nếu không sẽ khó tồn tại; Kỳ vọng xuất khẩu 6,5 tỷ USD rau quả trong năm nay...

Lý giải mức tăng chóng mặt của giá vàng

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới đã lên mức kỷ lục mới, 2.185 USD/Ounce. Sau nhiều phiên giá vàng lập đỉnh, đã có nhiều đánh giá nguyên nhân của hiện tượng này.

Hợp đồng tương lai vàng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, khi các nhà giao dịch đặt cược khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.

Một nguyên nhân quan trọng khác là do ngân hàng trung ương nhiều nước đang chuyển sang mua một lượng lớn vàng để dự trữ, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu phong toả 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Đồng thời do bối cảnh địa chính trị hiện nay, cụ thể là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và xung đột đang diễn ra tại nhiều điểm nóng trên thế giới.

Vàng đang trong xu hướng tăng giá nhưng theo một số chuyên gia các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi mua vào trong thời điểm này.

giá vàng
Lý giải mức tăng chóng mặt của giá vàng - Ảnh Internet

Du lịch nội địa lo lắng khi giá trần vé máy bay tăng

Từ tháng 3, trần giá vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 3,75%, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Giá vé máy bay tăng đồng nghĩa rằng các tour du lịch nội địa đi bằng đường hàng không cũng phải điều chỉnh giá.

Điều này đang khiến các doanh nghiệp lữ hành cảm thấy hết sức lo ngại. Giá tour tăng theo giá vé sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu cho du lịch của nhiều người, đặc biệt mùa cao điểm hè sắp tới.

Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá trần hàng không thì xu hướng đi du lịch tự túc và đi cự ly gần sẽ lên ngôi. Do vậy, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải thay đổi chương trình tour cũng như kết hợp nhiều loại hình phương tiện vận chuyển như đường bộ, đường sông thay thế máy bay.

Theo tính toán, giá vé máy bay đang chiếm tỷ trọng từ 40 - 60% tổng chi phí du lịch. Với việc điều chỉnh giá trần này, nhiều đơn vị lữ hành cho biết hiện không dám đặt trước vé máy bay số lượng lớn và các tour dịp lễ, dịp hè đang được bán ra nhưng không kèm vé máy bay.

vé máy bay
Du lịch nội địa lo lắng khi giá trần vé máy bay tăng - Ảnh Internet

Thị trường bất động sản có dấu hiệu tích cực, có nên mua nhà?

 Thị trường bất động sản đầu năm nay có những dấu hiệu tích cực hơn cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng từ người mua bất động sản. Nhu cầu tìm kiếm bất động sản bán toàn quốc trong tháng 1.2024 tăng 66% so với cùng kỳ 2023, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 52%. Hàng loạt ông lớn địa ốc đã mạnh mẽ khởi động, chuẩn bị cho các dự án mở bán mới. Sự quan tâm của khách hàng tới các dự án mới cũng tăng vọt.

 Sau khi luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, các giao dịch căn hộ nóng lên từng ngày. Bởi trước đây, người dân thường e ngại sau 50 năm sẽ không còn quyền sở hữu đối với căn hộ, nhưng luật mới đã không quy định điều này và vẫn giữ như cũ. Vì thế, những dự án giá tốt, chất lượng bàn giao cao cấp và pháp lý hoàn chỉnh sẽ được nhiều khách hàng quan tâm.

 Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã rất nỗ lực trong việc tái cơ cấu hoạt động, tiết giảm chi phí, giảm giá bán sản phẩm. Đồng thời, đàm phán thành công với trái chủ, nhà đầu tư để giãn, hoãn nợ và trả nợ.

Với nhiều thông tin và các chuyển biến tích cực, chuyên gia dự báo năm 2024 sẽ là thời kỳ khởi sắc của bất động sản. Tuy nhiên trên thực tế hiện tại, giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn khá ảm đạm vì nhiều lý do. Trong đó, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm và thanh khoản thị trường ở mức thấp, giá bất động sản quá cao khiến nhiều người vẫn không sẵn sàng xuống tiền ở thời điểm này.

Chợ truyền thống phải thích nghi nếu không sẽ khó tồn tại

Đã hết tháng giêng âm lịch, các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã hoạt động trở lại với nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá ổn định… nhưng sức mua vẫn yếu. Ai cũng nói chợ truyền thống là cần thiết nhưng duy trì và phát triển mô hình này như thế nào trong bối cảnh hiện nay vẫn là một câu hỏi không đơn giản.

Thực tế, ngoài lý do thu nhập giảm, từ ngày siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử xuất hiện, nhiều bà nội trợ đã bỏ thói quen đi chợ vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và cả vì ngại trả giá.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng muốn chợ truyền thống tồn tại và phát triển, cần có sự cải tạo lớn về nội dung lẫn hình thức; từ tư duy của các ban quản lý chợ đến tiểu thương. Phải xác định chợ bán lẻ là kênh bán hàng thiết yếu cho xã hội, nhất là người thu nhập thấp. Đặc biệt là phục vụ nhu cầu tham quan mua sắm của khách du lịch nước ngoài. Từ nhận thức đó, phải có sự đầu tư hạ tầng tương xứng cho chợ. Trong đó, việc tổ chức thu mua hàng hóa tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm qua sàn giao dịch là rất cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hóa, xuất xứ, minh bạch, giá cả…

 Hoạt động thương mại điện tử làm cho kênh phân phối truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt.  Quan điểm của Sở Công thương là chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng để chuyển đổi số, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, livestream, qua đó phát huy lợi thế lớn của chợ là văn hóa đi chợ của người dân, nguồn hàng có sẵn...

Kỳ vọng xuất khẩu 6,5 tỷ USD rau quả trong năm nay

Tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng mạnh tới hơn 70%, đạt giá trị 970 triệu USD với các mặt hàng chủ lực như: dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài, sầu riêng. Trong đó sầu riêng vẫn là mặt hàng chiếm ưu thế, đặc biệt bứt phá sau khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Kết quả này đang tạo ra những kỳ vọng cho mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD rau quả trong năm nay.

Nếu nông dân hợp tác cùng với doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm cao cấp thì chúng ta sẽ ko sợ bất cứ cường quốc nào như Thái Lan hay Malaysia. Vì chúng ta có những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng. Tất cả các giống được trồng tại Việt Nam độ ngon được khẳng định.

Nếu nông sản Việt Nam được khơi thông một các liên tục với những giải pháp là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ. Thì tiềm năng lợi thế của ta về nông sản xuất sang Trung Quốc chắc chắn không dừng ở cái mức 20-30%. Xuất khẩu rau quả sang các thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng trưởng mạnh mẽ đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho ngành rau quả.

 

Bình luận