Chờ...

Chuyện kinh tế 12/3: Nhiều doanh nghiệp thép “kêu cứu” | Kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có 5G thương mại

VOH - Tỷ giá USD biến động ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp?; Gần 510.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi; Kỳ vọng ngành công nghiệp về yến sẽ phát triển...

Nhiều doanh nghiệp thép “kêu cứu”

Các doanh nghiệp cho hay quy chuẩn 20 về thép không gỉ đã khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động hơn một năm qua. Máy móc đã bắt đầu hỏng hóc, xuống cấp do không được vận hành thường xuyên. Hàng chục ngàn công nhân, thợ tay nghề cao đã được đào tạo nhiều năm bị mất việc làm, phải chuyển công việc khác. Doanh nghiệp cho rằng nếu tình trạng này kéo dài, sẽ không thể khôi phục được sản xuất do chi phí để sửa sang máy móc, nhà xưởng và đào tạo lại công nhân, thiết lập quan hệ với khách hàng, không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Các doanh nghiệp cho biết, nếu quy chuẩn 20 không được bãi bỏ hoặc sửa đổi, thị trường các sản phẩm thép không gỉ của Việt Nam sẽ mất toàn bộ và vĩnh viễn rơi vào tay nhà sản xuất nước ngoài.

Trước đó, các doanh nghiệp có ý kiến đề nghị bãi bỏ hoặc điều chỉnh quy chuẩn 20 để có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa ban hành thông tư quyết định chính thức về việc này.

DN thép
Nhiều doanh nghiệp thép “kêu cứu” - Ảnh Internet

Kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có 5G thương mại

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong vòng 15 năm tới với mức giá hơn 7.533 tỉ đồng.

Khối băng tần này được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiếp theo. Hiện tại chưa có thông tin chính thức nào từ Viettel về thời điểm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện nhà mạng này cho biết: "Các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500 - 2600 MHz. Chúng tôi dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất. Khả năng trong quý tới, thậm chí sớm hơn, Viettel sẽ cung cấp những dịch vụ 5G thương mại đầu tiên tại Việt Nam."

Những dịch vụ 5G đầu tiên là những gói cước truy cập Internet tốc độ cao trên nền 5G, với tốc độ kết nối hàng trăm Mbps, có thể là những dịch vụ đầu tiên người dùng cuối được trải nghiệm ngay lập tức. Ngay như dịch vụ Data di động cũng có thể sẽ phân chia thành nhiều gói cước theo các mức tốc độ khác nhau, giống như dịch vụ Internet mạng cáp đến các hộ gia đình hiện nay. Sau đó sẽ có thêm nhiều loại hình dịch vụ khác gia tăng theo số lượng trạm phát 5G của các nhà mạng. Đặc biệt sẽ có dịch vụ 5G dành riêng cho doanh nghiệp để sử dụng cho các ứng dụng quản lý mạng lưới doanh nghiệp, thành phố thông minh, y tế từ xa

5g
Kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có 5G thương mại - ảnh Internet

Tỷ giá USD biến động ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp?

Tỉ giá ngân hàng giai đoạn vừa qua dù có "nhấp nhổm", nhưng giá USD ngoài thị trường tự do đã vượt 25.000 đồng từ giữa tháng 2 và hiện ở mức 25.600 - 25.700 đồng/1 USD.

Ông Nguyễn Đức Cường, chủ tịch một doanh nghiệp (DN) sản xuất linh kiện ở Bắc Giang, cho biết: Doanh nghiệp xuất khẩu thu về USD, đổi USD ra tiền VND, khi cần thanh toán phải mua lại ngoại tệ giá cao hơn. Chênh lệch mua - bán cũng đã mất một khoản. Chưa kể từ năm 2022 đến nay, tỉ giá biến động nhiều nên các doanh nghiệp phải tính tích trữ lại để thanh toán đơn hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào thiếu tiền VND để thanh toán trong nước vẫn phải chấp nhận "bán USD rồi tính sau”. Với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ, điều này có thể khiến họ làm hòa vốn hay thua lỗ.

Với rất nhiều doanh nghiệp, tỉ giá là bài toán đau đầu trong năm nay.

Gần 510.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi

Trong năm nay, sẽ có gần 510.000 tỷ đồng được các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho vay với lãi suất ưu đãi, hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu thông qua chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Đây là gói tín dụng ưu đãi có quy mô cao nhất từ trước đến nay, với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác về hỗ trợ vay vốn và ưu đãi lãi suất.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Nếu tổ chức thực hiện giải ngân gói này thì nó sẽ mang lại trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, về mặt chi phí vay vốn, về mặt cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm bớt áp lực trả nợ vay và đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Theo các doanh nghiệp, mức lãi suất thấp đã hỗ trợ tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kỳ vọng ngành công nghiệp về yến sẽ phát triển

Tiếp sau lô tổ yến đầu tiên vào cuối năm 2023, tại tỉnh Hưng Yên, hai container sản phẩm yến nước chế biến sâu của Công ty AVANEST Việt Nam cũng vừa được làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sự kiện đã mở ra những cơ hội gia tăng giá trị cho ngành hàng này ngay trong năm 2024.

Yến nước là một sản phẩm chế biến ăn liền nên với Trung Quốc, nó được xét vào một loại thực phẩm chức năng. Với thực phẩm chức năng, đó sẽ là một sản phẩm được kiểm soát trong môi trường sản xuất nghiêm ngặt. Với tiêu chí đó, doanh nghiệp phải xây dựng, thiết lập một hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn GMP thuộc Bộ Y tế cho phép. Việt Nam đang có môi trường nuôi yến tốt hơn Indonesia, Malaysia nên chất lượng cũng rất khác biệt.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nêu ý kiến: "Phải coi yến là một vật nuôi mà Luật Chăn nuôi đã được luật hóa. Nuôi ở đây không phải là nuôi trồng mà là khai thác có kiểm soát thì chúng ta mới có thể duy trì, phát triển được. Hệ thống các nhà yến phải có đủ điều kiện, sản phẩm yến phải được tiêu chuẩn hóa và quy chuẩn hóa. Chúng ta phải làm theo được như vậy thì mới khẳng định được thương hiệu quốc gia về yến của Việt Nam".