Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gợi ý các món ăn cho mẹ sau sinh bổ dưỡng, lợi sữa

( VOH ) - Phụ nữ sau sinh cần được bồi bổ cơ thể để sức khỏe nhanh chóng hồi phục, vì thế người mẹ cần được chăm sóc đặc biệt với chế độ dinh dưỡng từ các món ăn cho mẹ sau sinh hợp lý.

Sau khi sinh, người mẹ cần nhiều dưỡng chất để cơ thể phục hồi do bị mất nhiều máu và sức khỏe trong cuộc ‘vượt cạn’. Hơn nữa, trẻ sơ sinh cũng cần được cung cấp nguồn dưỡng chất để lớn lên từ nguồn thức ăn duy nhất là sữa mẹ.

Những gì mẹ ăn sẽ góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của trẻ. Do đó, các món ăn cho mẹ sau sinh cần phải đầy đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất để có thể đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho mẹ và đủ sữa cho con.

1. Sau khi sinh phụ nữ nên ăn gì?

Giống việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, sản phụ sau khi sinh xong cũng cần phải được chăm sóc đặc biệt. Một chế độ dinh dưỡng ‘bó buộc’ như: đu đủ hầm móng giò, cháo chân giò hay thịt kho nghệ đã không còn là 'những món ăn lúc nào cũng phải có' trong bữa ăn của mẹ sau sinh.

Thay vào đó, sản phụ sau khi sinh xong hoàn toàn có thể lựa chọn thực đơn với những món ăn bổ dưỡng phù hợp với sở thích. Tuy nhiên, những món ăn cho mẹ sau sinh cần phải bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất sau đây:

  • Chất đạm: Những loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm như thịt bò, thịt heo nạc, đậu nành, sữa bò, sữa chua, trứng gà... đều là loại thức ăn giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể tốt nhất.
  • Chất béo: Hãy chọn những chất béo không bão hòa, những loại chất béo này có thể tìm thấy ở dầu oliu, chất béo từ cá (cá hồi), trong quả bơ và các loại hạch, hạt. Sử dụng chất béo từ thực vật để chế biến các món chiên, xào hay kho sẽ tốt hơn cho mẹ sau sinh.
  • Chất đường bột: Thực đơn món ăn cho mẹ sau sinh không thể thiếu các món ăn có chứa chất đường bột như cơm, phở, cháo. Ngoài ra, mẹ nên hạn chế ăn các loại bún, bánh kẹo ngọt, nước có ga, kem lạnh...
  • Chất xơ: Mẹ sau sinh có thể bổ sung chất xơ bằng cách thêm vào thực đơn hàng ngày các loại rau cải, đặc biệt là các loại có lá màu xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau bó xôi, mồng tơi, bắp cải...

2. Các món ăn dành cho mẹ sau sinh thường và sinh mổ

2.1 Món ăn dành cho mẹ sinh thường

Với mẹ sinh thường, ít khi gặp phải những tai biến sản khoa, chính vì thế những món ăn dành cho mẹ sau sinh cũng tương đối phong phú và không có quá nhiều kiêng cữ trong ăn uống.

goi-y-cac-mon-an-cho-me-sau-sinh-bo-duong-loi-sua-voh

Sản phụ sinh thường không cần quá kiêng khem trong ăn uống sau khi sinh (Nguồn: Internet)

Mẹ có thể luân phiên thay đổi thức ăn trong khẩu phần ăn 1 tuần của mình bằng các món ăn thanh đạm nhưng vẫn bổ sung đủ 4 nhóm chất cần thiết và ‘gọi sữa về’ bằng các món ăn theo dân gian như:

  • Móng giò heo: Theo Đông y thì đây là món giúp bổ huyết thông sữa, phụ nữ sau sinh muốn có sữa mẹ dồi dào thì có thể ăn chân giò nấu đu đủ xanh, canh đỗ đen nấu móng giò,...
  • Rau cải: Các loại rau cải như rau mồng tơi, rau ngót, rau dền... sẽ giúp dễ tiêu hóa và cũng tốt cho những phụ nữ sau sinh bị thiếu sữa.
  • Các loại cá đồng, thịt heo nạc: Chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sản phụ. Một số món ăn phổ biến như thịt kho tiêu, thịt kho nghệ, cá bống kho tiêu, cá lóc kho nghệ...
  • Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa: Phụ nữ sau khi sinh cần phải uống sữa đều đặn và có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa như yaourt, phô mai... để giúp xương của mẹ và bé chắc khỏe.

2.2 Món ăn cho mẹ sau sinh mổ

Khác với những mẹ sinh thường, mẹ sinh mổ sẽ cần phải có một chế độ ăn uống sau sinh kiêng khem hơn một chút để vết mổ sau sinh được phục hồi tốt nhất.

  • Trong 1 – 2 ngày đầu, các món ăn cho mẹ sinh mổ nên là những loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo,  súp... Không nên ăn các món ăn có chứa nhiều mỡ động vật
  • Từ 5 – 7 ngày tiếp theo, khả năng tiêu hóa đang dần phục hồi nên mẹ có thể ăn những món ăn giàu dinh dưỡng và năng lượng.
  • Các loại thực phẩm giàu chất sắt và chất đạm như thịt bò, thịt heo... sẽ giúp hỗ trợ sự sản sinh lượng máu bị mất trong lúc sinh mổ và giúp cơ thể nhanh chóng khỏe mạnh.
  • Nên tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng trong thời gian đầu sau sinh.

Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh cũng nên ăn nhiều các loại rau xanh như bắp cải, mồng tơi, rau ngót, rau dền ... giúp tăng cường chất xơ và các loại trái cây như bưởi, cam, chuối, đu đủ chín, dưa hấu... để bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời nên đa dạng thực đơn với các món canh tiềm, canh hầm, canh rau cải nấu thịt...sẽ giúp nguồn sữa mẹ được dồi dào.

3. Gợi ý thực đơn bổ dưỡng dành cho bà mẹ sau sinh

3.1 Gà hầm thuốc bắc

Là món ăn bổ dưỡng giúp phục hồi sức khỏe sau sinh rất tốt. Ngoài gà hầm thuốc bắc, mẹ có thể ăn cháo gà, canh gà ninh nhừ... vừa bổ dưỡng vừa dễ ăn khi cơ thể đang còn mệt.

goi-y-cac-mon-an-cho-me-sau-sinh-bo-duong-loi-sua-1-voh

Gà tần thuốc bắc là món ăn bổ dưỡng tốt cho mẹ sau sinh (Nguồn: Internet)

3.2 Cơm gà luộc bỏ da

Thực đơn gồm có:

  • Gà luộc bỏ da
  • Canh khoai tây nấu nước luộc gà
  • Giò nạc rim
  • Cơm trắng

Với thực đơn này sẽ giúp mẹ giảm bớt lượng chất béo có trong da gà và  có thể tận dụng nước luộc nấu canh khoai tây ăn cùng giò rim giúp bữa cơm tăng thêm vị đậm đà.

3.3 Cơm bò xào, gà rang, bí đỏ

Thực đơn gồm có:

  • Bò xào cải thảo
  • Gà kho nghệ
  • Canh bí đỏ
  • Cơm trắng

Với bữa ăn này sẽ giúp mẹ bổ sung thêm sắt và các dưỡng chất cho sản phụ.

3.4 Cơm thịt luộc, canh tần ô

Thực đơn gồm có:

  • Canh tần ô (cải cúc) thịt bằm
  • Thịt luộc
  • Cơm trắng

Đây là bữa cơm đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được sự ngon miệng và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho mẹ sau sinh.

3.5 Tim lợn, nem rán, gà luộc và canh rau củ

Thực đơn gồm có:

  • Gà luộc
  • Tim lợn hấp
  • Canh rau củ nấu chay
  • Nem rán

Một bữa ăn với nhiều món nhưng không quá cầu kỳ có thể giúp mẹ ăn uống ngon miệng hơn.

Cần nhớ, mẹ sau khi sinh ngoài việc đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất từ các món món ăn hàng ngày thì còn phải duy trì một chế độ nghỉ ngơi hợp lý để bồi bổ sức khỏe và có đủ sữa cho bé yêu.

Bình luận