Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách hít thở khi sinh giúp mẹ giảm đau khi chuyển dạ

(VOH) – Khi chuyển dạ, các cơn gò tử cung sẽ khiến thai phụ vô cùng đau đớn và khó chịu. Tuy nhiên, nếu biết cách hít thở khi sinh sẽ giúp mẹ giảm bớt đau đớn và em bé ra đời cũng dễ dàng hơn.

Chuyển dạ là một quá trình đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thai nghén, sau 38 – 40 tuần thai kỳ, sản phụ sẽ bước vào giai đoạn “đẻ đau”. Quá trình chuyển dạ thường kéo dài từ 6 – 12 giờ ở sản phụ sinh con rạ và thời gian này thường kéo dài tăng gấp đôi ở sản phụ sinh con đầu lòng.

Ngày nay, với những tiến bộ của y khoa đã có các phương pháp gây tê giúp “đẻ không đau”, tuy nhiên không phải thai phụ nào cũng đều được sử dụng phương pháp này. Mặc dù vậy, trong trường hợp có hoặc không áp dụng phương pháp “đẻ không đau” nhưng nếu sản phụ biết cách hít thở đúng thì quá trình sinh sẽ diễn ra nhanh chóng và suôn sể, giúp mẹ bình an “vượt cạn” thành công.

1. Cách hít thở khi sinh để giúp giảm đau

Trong quá trình vượt cạn, rất nhiều mẹ rơi vào tình trạng căng thẳng và chống lại cơn đau bằng cách khóc lóc hay chửi bới... Tuy nhiên, hành động này chỉ khiến các mẹ thêm stress, cổ tử cung không giãn nở tốt và gây khó sinh. Vì thế, để giảm đau và giúp quá trình sinh nở diễn ra nhanh các mẹ nên tập hít thở khi sinh theo từng cơn co của tử cung.

Việc hít thở đúng cách khi sinh em bé không chỉ giúp tăng tối đa hiệu quả hô hấp mà nó còn giúp duy trì lượng oxy cho mẹ và thai nhi.

cach-hit-tho-khi-sinh-giup-me-giam-dau-khi-chuyen-da-voh

Có 4 kiểu thở cơ bản trong quá trình chuyển dạ (Nguồn: Internet)

Trong bài tập hướng dẫn hít thở khi sinh thì quá trình này được chia là 4 kiểu thở cơ bản, đó là:

1.1 Thở chậm, sâu

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn cổ tử cung mở dưới 3 cm. Khi có cơn co tử cung, mẹ hãy bắt đầu bằng hơi thở sâu (hít bằng mũi rồi thở ra bằng miệng, thở chậm rãi, đều đặn) và chấm dứt với một hơi thở sạch khi đã hết cơn co. Cách hít thở đúng là khi hít vào bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống. Thở 6 - 9 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 50 giây.

Những điều cơ bản trong lúc thở sâu các mẹ cần lưu ý:

  • Nên nằm nghiêng vì nằm ngửa việc thở không tốt vì nó sẽ làm chậm chuyển dạ và hạn chế tuần hoàn nhau thai.
  • Hít một hơi sâu để không khí tràn ngập phổi và thở hết ra.
  • Tập trung vào một điểm trọng tâm sẽ tạm thời giúp quên đi cơn co tử cung. Điểm trọng tâm này có thể là đồ vật hay một tranh ảnh đẹp, dễ nhìn thấy....

Khi hít vào, mẹ có thể úp bàn tay lên bụng dưới của mình và vuốt nhẹ về phía sườn. Khi thở ra, vuốt tay từ phía sườn xuôi về phía bụng dưới. Việc kết hợp massage nhẹ nhàng theo cách này sẽ giúp xoa dịu cơn đau.

1.2 Thở nhanh, nông

Kiểu thở này được sử dụng trong giai đoạn cổ tử cung mở từ 3 - 6 cm, cơn co đã mạnh hơn, dài hơn và dày hơn, với tần suất khoảng 3 phút một cơn. Khi có cơn co tử cung, mẹ hãy bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp đó là thở ngực nông. Khi cường độ cơn co càng lên cao thì càng thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi thực hiện một hơi thở sạch khi cơn co chấm dứt.

Với kiểu thở này sản phụ cần đảm bảo lượng không khí hít vào cũng tương đương lượng không khí thở ra. Nếu cảm thấy hơi choáng váng, có thể mẹ đã không thở hết không khí ra. Còn nếu cảm thấy các nhịp thở của mình cạn và ngắn thì có thể do mẹ đã thở ra nhiều hơn lượng khí mình hít vào. Lúc này mẹ cần nhờ đến sự trợ giúp từ bác sĩ để điều chỉnh nhịp thở tốt hơn.

1.3 Thở thổi nến (kiểu thở phù phù)

cach-hit-tho-khi-sinh-giup-me-giam-dau-khi-chuyen-da-1-voh

Kiểu thở thổi nến giúp làm giảm áp lực từ tử cung đồng thời giúp mẹ tránh rặn sớm (Nguồn: Internet)

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở từ 7 - 9cm, cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa hai cơn co ngắn. Lúc này, sản phụ thường chỉ muốn rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng. Tuy nhiên, nếu rặn sẽ rất nguy hiểm vì cổ tử cung chưa mở ra hoàn toàn. Vì thế,  kiểu thở này sẽ giúp làm giảm áp lực từ tử cung đồng thời giúp mẹ tránh rặn sớm.

Khi cơn co bắt đầu, mẹ hãy hít một hơi thở sạch, kế đó thở nhanh nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt với một hơi thở sạch.

1.4 Rặn

Kiểu thở này nên được dùng trong giai đoạn hai của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở hoàn toàn và người mẹ đã muốn rặn. Mẹ nằm ngửa, người cong hình chữ C.

Khi có cơn co, thở sâu 2 lần liên tiếp, kế đó hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn. Cách rặn giống như khi rặn đi vệ sinh. Khi rặn đẻ, mẹ nên tựa cằm vào ngực, mắt nhìn xuống rốn. Hết hơi, mẹ nên rặn tiếp và hít một hơi thở sâu khác. Giữ hơi và tiếp tục rặn, đến khi hết cơn co tử cung.

Nếu sản phụ không mắc bệnh lý gì và có khung chậu bình thường thì ở người mới sinh con lần đầu (sinh con so) quá trình rặn sinh thường kéo dài từ 30 – 40 phút. Còn ở người sinh con rạ thì sẽ ngắn hơn, thường kéo dài từ 20 – 30 phút.

2. Thế nào là hơi thở sạch?

Hơi thở sạch là sự hít sâu vào thoải mái bằng mũi và thở ra bằng miệng hoặc hít thở đều bằng miệng. Khi cơn co tử cung bắt đầu, sản phụ hít vào thật sâu và thở ra từ từ cho đến hết cơn co tử cung. Sau đó, sản phụ nghỉ ngơi và thở bình thường.

Hơi thở sạch sẽ giúp tăng lượng khí oxy và giảm khí cacbonic trong máu.

Trên đây là những thông tin về cách hít thở khi sinh, các mẹ có thể tự luyện tập cách hít thở đúng khi sinh tại nhà để làm quen trước. Trong quá trình sinh đừng quá lo lắng, căng thẳng mà hãy hít thở đều đặn theo hướng dẫn từ bác sĩ sẽ giúp mẹ trải qua một cuộc “vượt cạn” an toàn, nhanh chóng.

Bình luận