Tiêu điểm: Nhân Humanity

Rong kinh sau sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

( VOH ) - Một số phụ nữ sau khi sinh thường bị rong kinh sau sinh, tình trạng này kéo dài không chỉ gây ra nhiều khó chịu cho chị em mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.

Thông thường, sau khi sinh và cho con từ 6 tháng trở đi, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do quá trình mang thai và sinh nở khiến cho hàm lượng hormone của cơ thể liên tục thay đổi nên chu kỳ kinh nguyệt sau sinh có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Rong kinh sau sinh (kinh nguyệt kéo dài) chính là một trong những biến đổi mà rất nhiều phụ nữ sau khi sinh xong có thể gặp phải.

1. Hiện tượng rong kinh sau sinh như thế nào?

Rong kinh sau sinh là tình trạng xuất huyết quá nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường (trên 7 ngày). Đây là một hiện tượng khá phổ biến sau sinh và có thể dự báo trước.

1.1 Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rong kinh sau sinh

Hàng tháng, hormone sinh dục estrogen và progesterone cùng tác động khiến niêm mạc tử cung dày lên. Phần thành niêm mạc dày lên này sẽ bong ra và tạo thành kinh nguyệt. Nếu hai hormone này mất cân bằng khiến cho niêm mạc được tạo ra quá dày, dẫn đến tình trạng xuất huyết nặng hơn khi hành kinh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân phụ nữ bị rong kinh sau sinh thường là do:

  • Hormone mất cân bằng: Sau khi mang thai và sinh con, 2 hormone estrogen và progesterone bị thay đổi, niêm mạc tử cung dày lên và khi chu kỳ kinh nguyệt xảy ra niêm mạc tử cung sẽ phải mất nhiều thời gian bị bong tróc, đào thảo ra khỏi cơ thể nên gây ra tình trạng rong kinh.

rong-kinh-sau-sinh-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh

Uống thuốc tránh thai sau khi sinh có thể gây ra rối loạn nội tiết tố trong cơ thể (Nguồn: Internet)

  • Sử dụng thuốc tránh thai sau sinh: Những phụ nữ sau sinh có quan hệ và sử dụng thuốc tránh thai có thể sẽ gây ra một số rối loạn nội tiết tố trong thời gian đầu khi dùng và dẫn đến rong kinh.
  • Tổn thương tử cung, buồng trứng: Rong kinh sau khi sinh mổ được xác định là do tử cung, buồng trứng bị tổn thương. Một số bệnh lý như: u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng...cũng có thể làm xuất hiện tình trạng rong kinh (rong kinh bệnh lý).

1.2 Dấu hiệu bị rong kinh sau sinh là gì?

Dấu hiệu đặc trưng nhất của tình trạng rong kinh sau sinh là xuất huyết nặng trong chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ sau sinh bị rong kinh sẽ phải thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần do xuất huyết diễn ra liên tục trong nhiều giờ.

Một số dấu hiệu khác của rong kinh là:

  • Xuất huyết nặng liên tục trên 7 ngày.
  • Kinh nguyệt hàng tháng thường kéo dài hơn 10 ngày.
  • Tình trạng xuất hiện nặng bất thường xảy ra ở 2 kỳ kinh nguyệt liên tiếp.

2. Phụ nữ bị rong kinh sau sinh sẽ phải đối mặt với nguy hiểm nào?

Mất máu chính là một trong những vấn đề lớn nhất phụ nữ sau sinh sẽ phải nhận lấy. Rong kinh nhiều ngày có thể khiến sản phụ bị mất máu dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, thậm chí bị ngất xỉu.

rong-kinh-sau-sinh-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-1-voh

Sản phụ rong kinh kéo dài thường bị bị mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu... (Nguồn: Internet)

Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm nấm cũng rất dễ xảy ra do âm đạo là môi trường lý tưởng đến các loại vi khuẩn, nấm sinh sôi và phát triển khi rong kinh kéo dài.  

Ngoài ra, rong kinh sau khi sinh sẽ khiến cho mọi hoạt động của sản phụ đều bị ảnh hưởng, tâm lý khó chịu, căng thẳng, dễ nổi nóng.

3. Cách chữa rong kinh ở phụ nữ sau khi sinh

Phương pháp điều trị rong kinh thường sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và những ảnh hưởng đối với đời sống hàng ngày của sản phụ.

Trường hợp bị rong kinh do rối loạn nội tiết tố thì mẹ không cần phải điều trị bằng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi sau một thời gian. Nhưng nếu rong kinh do bệnh lý, bệnh có những diễn tiến nghiêm trọng, mẹ cần gặp bác sĩ sớm để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị cụ thể.

Để cơ thể nhanh chóng hồi phục, hạn chế tình trạng bị rong kinh sau sinh, sản phụ cần tuân thủ theo một số nguyên tắc sau:

  • Vệ sinh vùng kín hàng ngày sạch sẽ và đúng cách, không nên thụt rửa quá sâu vào bên trong.
  • Khi nhận thấy lượng máu ra nhiều, nên thay băng vệ sinh để đảm bảo vùng kín được sạch sẽ.
  • Không quan hệ vợ chồng khi bị rong kinh vì có thể khiến các tác nhân gây bệnh xâm nhập sâu vào bên trong hoặc gây tổn thương âm đạo.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt để phòng tránh nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
Bình luận