Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ), nơi thực hiện nghiên cứu cho biết, quả tim bắt đầu có dấu hiệu đào thải trong những ngày gần đây.
Tiến sĩ Bartley Griffith, Giám đốc lâm sàng của Chương trình cấy ghép tim tại Đại học Y Maryland cho biết: “Mong muốn cuối cùng của ông Faucette là chúng tôi tận dụng tối đa những gì đã học được từ kinh nghiệm này để giúp những người khác có cơ hội được ghép tim mới khi không có nội tạng người. Sau đó, ông ấy nói với đội ngũ bác sĩ và y tá rằng ông ấy yêu chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ ông ấy vô cùng”.

Ông Faucette (58 tuổi), lần đầu tiên được đưa vào viện vào ngày 14/9 sau khi gặp các triệu chứng suy tim. Ông trải qua ca cấy ghép thử nghiệm 6 ngày sau đó. Bệnh tim và các tình trạng bệnh lý có từ trước khiến ông không đủ điều kiện để được ghép tim theo phương pháp truyền thống.
Ông Faucette nói với bệnh viện trong một cuộc phỏng vấn nội bộ vài ngày trước cuộc phẫu thuật: “Hy vọng thực sự duy nhất còn lại của tôi là được sử dụng trái tim của heo theo phương pháp cấy ghép xenotransplant”.
Vào thời điểm đó, bà Ann Faucette – vợ ông cho biết: “Chúng tôi không có kỳ vọng nào khác ngoài hy vọng có thêm thời gian bên nhau. Điều đó đơn giản như ngồi trước hiên nhà và uống cà phê cùng nhau”.
Trong những tuần sau ca cấy ghép, các bác sĩ báo cáo rằng, ông đã đạt được tiến bộ đáng kể, bao gồm việc tham gia vật lý trị liệu và dành thời gian cho gia đình.
Một tháng sau cuộc phẫu thuật, các bác sĩ cho biết, họ tin rằng chức năng tim của ông rất tốt và đã ngừng sử dụng các loại thuốc hỗ trợ chức năng tim.
Các bác sĩ đã điều trị cho Faucette bằng phương pháp điều trị kháng thể thử nghiệm để ức chế hệ thống miễn dịch hơn nữa và ngăn chặn sự đào thải. Tuy nhiên, đào thải nội tạng là “thách thức lớn nhất đối với các ca cấy ghép truyền thống cũng liên quan đến nội tạng người”.
Theo chính phủ liên bang, có hơn 113.000 người trong danh sách ghép tạng, trong đó có hơn 3.300 người cần tim. Nhóm Donate Life America cho biết, mỗi ngày có 17 người chết trong khi chờ đợi nội tạng được hiến tặng.