Nghiên cứu gần đây cho thấy, 60% lượng calo tiêu thụ hàng ngày của người Mỹ đến từ thực phẩm siêu chế biến (UPFs).
Một nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) tiết lộ rằng, việc tiếp xúc với UPFs có liên quan đến 32 kết quả sức khỏe kém, bao gồm các vấn đề về tâm lý, hô hấp, tim mạch, tiêu hóa và chuyển hóa.
Một số bệnh lý được liên kết bao gồm ung thư, bệnh tim, hội chứng chuyển hóa, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và tiểu đường type 2.
Chuyên gia dinh dưỡng Ilana Muhlstein cảnh báo, trong khi chế độ ăn của người Mỹ có 60% là thực phẩm siêu chế biến, trẻ em tiêu thụ mức này còn cao hơn, vượt quá 70%. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần và thể chất của chúng.
Theo Muhlstein, trẻ em hiện nay không nhận đủ vitamin, khoáng chất và chất béo lành mạnh như các thế hệ trước, mà thay vào đó tiêu thụ quá nhiều chất béo từ dầu hạt siêu chế biến, thực phẩm chiên và đồ ngọt.
Cô lo ngại rằng, thế hệ trẻ có thể có tuổi thọ ngắn hơn so với cha mẹ do các yếu tố dinh dưỡng và lối sống.
Cô Muhlstein khuyến khích các bậc phụ huynh áp dụng "quy tắc 80/20" khi cho con ăn, trong đó 80% là thực phẩm tươi như trứng, cá, thịt, trái cây và rau củ, còn 20% là các loại thực phẩm kém dinh dưỡng hơn như khoai tây chiên, bánh quy và kem.
Cô cũng đề xuất một số lựa chọn thay thế lành mạnh cho thực phẩm siêu chế biến phổ biến ở trẻ em, như sử dụng sốt marinara thay vì tương cà khi ăn các món như gà chiên hoặc khoai tây chiên.
Đối với các thực phẩm chế biến sẵn phổ biến như gà viên, cô đề xuất chuyển sang dùng thịt gà xé sợi và dần dần chuyển sang chế biến nướng thay vì chiên.
Ngay cả khi tổ chức tiệc nướng, cô khuyên nên chọn hamburger thay vì hot dog, một quyết định đơn giản nhưng lành mạnh hơn.
Cô cảnh báo rằng, hot dog thường chứa nitrit và nitrate, các thành phần này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, trong khi hamburger thường chỉ là thịt bò xay với gia vị. Đó là bước tiến lớn trong việc giảm thiểu chế biến thực phẩm.