Bi kịch trút lên đầu con trẻ
Có lẽ trong cuộc đời làm nghề của mình, bác sĩ Phan Vũ Bảo – quyền Trưởng khoa phỏng - Bệnh viện Nhi đồng 1 không nguôi ám ảnh vì chưa từng gặp trường hợp nào như bé Nguyễn Thị Kim Linh - ngụ thị trấn Chợ Lầu - Bình Thuận - vì hoàn cảnh khá đặc biệt.
Em bị phỏng 40% cơ thể do chính mẹ em tạt ca xăng vào người. Bác sĩ Bảo ám ảnh bởi không chỉ nỗi đau về mặt thể xác, mà em còn phải gánh chịu nỗi đau tinh thần quá lớn, khi người tưới xăng đốt mình không ai khác là người dứt ruột sinh ra. Hình ảnh trong cơn hoảng loạn, khi bị lửa thiêu nóng quá, chịu không nổi, em chạy ôm chầm lấy mẹ…như muốn được chở che khiến không ít người đau đớn.
Bé Kim Linh tại phòng cách ly bệnh viện Nhi đồng 1 - TPHCM sáng 31.8 (Ảnh: K.Q/LĐO)
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang – khoa Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng 1 kể, những ngày đầu lên khoa để điều trị trấn an tâm lí cho bé Kim Linh, rất khó tiếp cận bé vì bé đang quá đau trên thân thể trắng xóa vì bông băng. Toàn thân rướm máu do phải cắt lọc, thay băng, tiêm chích...
Cháu đã từ chối trò chuyện và luôn miệng kêu bác sĩ đi đi…đứng đó nhìn cháu, bác sĩ Quỳnh Trang có thâm niên mấy chục năm trong nghề, chứng kiến bao nhiêu trường hợp thương tâm, nhưng không thể cầm được nước mắt, quặn thắt lòng khi bé nấc lên từng tiếng: “Con không muốn gặp mẹ nữa, cô đi đi” .
Bác sỹ Quỳnh Trang phải kiên nhẫn chờ đợi, để cho cơn đau, những hoảng loạn tạm lắng, lúc đó bé mới chịu bộc lộ tâm sự của mình. Dần dà Kim Linh bắt đầu quen với sự có mặt của cô và trông ngóng mỗi khi cô đến để chuyện trò, chia sẻ và đọc báo cho bé nghe.
Những câu chuyện kể về bé đẫm nước mắt, hiện tại xen lẫn quá khứ đau buồn. Ba mất, mẹ đang sống với người đàn ông khác, bé thường xuyên bị đánh đập, việc học hành cũng dang dở từ lâu…Điều khiến cho bác sĩ Trang rưng rưng là khi bé nói hết giận mẹ rồi và bé vẫn muốn sống với mẹ khi hết bệnh.
“Giai đoạn đầu cháu không muốn trò chuyện, rồi cáu gắt nạt nộ, từ chối mình. Đến giai đoạn cháu kiểm soát được cơn đau rồi thì mới vui vẻ trò chuyện, trả lời các câu hỏi một cách rất hợp tác. Cháu tha thứ cho mẹ, rất dễ thương – “Con tha thứ cho mẹ vì mẹ là mẹ của con mà!”. Điều này khiến cho tôi rất cảm động. Cháu còn thích được đi học chữ trở lại và học nghề cắt tóc nữa”, bác sĩ Quỳnh Trang kể.
Thế mới thấy, tình mẫu tử thiêng liêng, không gì có thể thay thế được khi bé không hờn trách, thù ghét người sinh ra mình.
Vết thương tâm lý dai dẳng suốt đời
Trường hợp thương tâm của bé Kim Linh chỉ là một trong số vô vàn những bi kịch gia đình, của những cuộc bạo hành cứ dội xuống đầu con trẻ. Có trường hợp cha ruột đốt con, phỏng đến nỗi phải bỏ chi, mẹ tiêm thuốc độc để kết liễu 2 con nhỏ, có bé mới 5 tuổi...
Người xưa có câu “hùm dữ không nỡ ăn thịt con” vậy mà nhiều người lại nhẫn tâm hủy hoại ngay chính giọt máu mà mình dứt ruột đẻ ra...ngay cả các bác sĩ chuyên ngành tâm lí cũng không thể hiểu nổi tại sao người lớn cứ lấy con mình ra để trút cơn giận, dẫu biết cuộc sống vất vả với bao lo toan, gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Tiếp nhận và điều trị sang chấn tâm lí cho các bé hằng ngày, bác sĩ Lâm Hiếu Minh – Phó khoa Tâm lí tâm thần trẻ em - Bệnh viện Tâm Thần TP đúc kết, khi trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc, thường bị bạo hành gia đình sẽ là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm về sau. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có những hành động dại dột như tự đi tìm cái chết, hay thường xuyên hủy hoại bản thân:
“Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị trầm cảm là nguyên nhân về tâm lí, tổn thương tâm lí nhiều là trẻ bị bạo hành, bị ngược đãi, trẻ được chăm sóc nhưng không thích hợp, trẻ sống trong gia đình có nhiều trục trặc, bạo hành gia đình, bố mẹ li dị, li hôn”, bác sĩ Minh nhận định.
Bé Kim Linh vẫn đang trong giai đoạn điều trị các vết phỏng do mẹ gây ra. Nhưng điều các bác sĩ lo ngại không phải di chứng cho vết thương để lại mà chính là sức khỏe tinh thần của bé sẽ mãi mãi không hồi phục được. Bởi nó quá sức chịu đựng so với tuổi đời của bé. Rồi liệu tình trạng bạo hành lại có tiếp diễn khi bé quay trở về cũng chính căn nhà ấy, những con người ấy…
Còn biết bao trường hợp trẻ em bị chính người thân của mình xâm hại về mặt thể chất cũng như tinh thần, sẽ ra sao khi quay trở lại với cuộc sống đời thường? Thật khó lý giải và có hướng giải quyết căn cơ. Bởi lẽ những bi kịch đó lại xảy ra ngay trong các gia đình nhỏ.