Đăng nhập

Iran cảnh báo đáp trả quân sự nếu Mỹ phát động tấn công

00:00
02:41
02:41
VOH - Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei vừa đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về khả năng đáp trả quân sự nếu Mỹ tiến hành tấn công nước này,

Ngày 31/3, trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington tiếp tục leo thang, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã đưa ra cảnh báo cứng rắn: nếu Mỹ thực hiện bất kỳ hành động tấn công quân sự nào nhằm vào Iran, nước này sẽ lập tức đáp trả bằng biện pháp mạnh mẽ.

Cảnh báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên truyền hình rằng Mỹ sẵn sàng thực hiện "các cuộc không kích với quy mô chưa từng thấy" nếu Tehran không chấp nhận đàm phán về chương trình hạt nhân. Ông Trump cũng tiết lộ chính quyền Mỹ đang cân nhắc hai lựa chọn – quân sự hoặc ngoại giao – nhưng "chỉ ưu tiên đàm phán nếu có kết quả thực chất."

Lanh tu toi cao Iran 2025Xem toàn màn hình
Lãnh tụ tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei - Ảnh: IRNA

Trả lời thông cáo báo chí, ông Khamenei nêu rõ: “Họ đe dọa sẽ gây rắc rối. Nếu họ thực hiện điều đó, chắc chắn sẽ nhận được một đòn đáp trả mạnh mẽ. Iran sẽ không đứng yên trước bất kỳ hành động xâm phạm nào vào lãnh thổ hay chủ quyền của mình."

Báo Tehran Times cùng ngày tiết lộ, Iran đã kích hoạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở hàng loạt căn cứ quân sự ngầm, đồng thời triển khai các bệ phóng tên lửa tầm trung và tầm xa tới nhiều khu vực chiến lược. Một số căn cứ được cho là đã chuyển sang trạng thái phòng thủ cấp độ cao nhất, sẵn sàng đối phó trong trường hợp bị không kích.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cũng khẳng định lập trường cứng rắn của chính phủ nước này, cho rằng Iran "không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với Mỹ" về chương trình hạt nhân, vốn vẫn là tâm điểm trong căng thẳng song phương kéo dài nhiều năm. Ông cho biết, Iran sẵn sàng tiếp tục đối thoại thông qua trung gian các nước thứ ba, nhưng sẽ không lùi bước trước các đe dọa vũ lực.

Hồi đầu tháng 3, ông Trump cho biết đã gửi thư đến lãnh tụ Khamenei nhằm bày tỏ mong muốn nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, phía Iran vẫn giữ quan điểm rằng trước khi quay lại bàn đàm phán, Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và chấm dứt chính sách "gây sức ép tối đa".

Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ Lầu Năm Góc trước các tuyên bố mới nhất từ phía Iran. Trong khi đó, một số quan chức Quốc hội Mỹ bày tỏ lo ngại việc tiếp tục leo thang ngôn từ có thể đẩy tình hình khu vực Trung Đông vào vòng xoáy xung đột nghiêm trọng.

Giới phân tích nhận định rằng việc hai bên liên tục đưa ra cảnh báo và phô trương sức mạnh quân sự làm gia tăng nguy cơ đối đầu, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc xung đột khác tại khu vực như xung đột Israel-Gaza, chiến sự tại Yemen hay khủng hoảng tại Iraq vẫn chưa có lối thoát. Sự can dự của hai cường quốc quân sự như Mỹ và Iran nếu vượt ngoài kiểm soát có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh toàn cầu mới.

Liên Hợp Quốc và một số nước trung gian như Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ được cho là đang nỗ lực giữ vai trò cầu nối nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai bên.

Tuy nhiên, khả năng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trong ngắn hạn vẫn được đánh giá là rất thấp nếu hai bên tiếp tục duy trì lập trường đối đầu.

 
Bình luận