Chờ...

Phản ứng trái ngược của Nga và Ukraine đối với đàm phán hòa bình Saudi Arabia

VOH - Về các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra mới đây tại Saudi Arabia, phía Ukraine cho rằng đã mang lại kết quả tích cực, còn Nga khẳng định đây là nỗ lực vô ích nhằm lôi kéo sự ủng hộ dành cho Kiev.

Các cuộc đàm phán kéo dài trong 2 ngày 5 và 6/8 tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia với sự tham dự của hơn 40 quốc gia - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ các nước châu Âu.

Sự kiện là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Ukraine và các đồng minh, nhằm đảm bảo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với giải pháp hòa bình của Kiev đưa ra, bao gồm việc Nga rút toàn bộ quân và trả lại các vùng lãnh thổ Ukraine cho Kiev kiểm soát.

Bế mạc hội nghị, nước chủ trì Saudi Arabia cho biết các quốc gia tham dự đàm phán đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn để mở đường cho hòa bình. Các nước đã lên kế hoạch thành lập các nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề cụ thể do xung đột gây ra.

Ông Andriy Yermak, chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, đánh giá cuộc đàm phán ở Saudi Arabia đã "rất hiệu quả" trong việc đạt được tiến bộ hướng tới giải pháp tích cực, làm nền tảng cho hòa bình, chấm dứt xung đột ở Ukraine. 

Ông Yermak thừa nhận trong đàm phán có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đó là "một cuộc trao đổi cởi mở và trung thực". Ông cũng nói thêm rằng các quốc gia tham dự hội nghị đã thể hiện cam kết tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Tuy nhiên ở bên kia chiến tuyến, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay hội nghị tại Jeddah đã “phản ánh nỗ lực của phương Tây nhằm lôi kéo các quốc gia ở Nam bán cầu ủng hộ lập trường của ông Zelensky”.

Bình luận trái ngược của Nga và Ukraine đối với đàm phán hòa bình Saudi Arabia
Đại diện của hơn 40 quốc gia - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ tại hội nghị đàm phán hòa bình ở Jeddah, Saudi Arabia - Ảnh: Saudi Press Agency/Reuters

Theo hãng tin Reuters, trong khi phần lớn các nước phương Tây ủng hộ Ukraine, nhiều quốc gia khác vẫn miễn cưỡng trong việc chọn đứng về bên nào, mặc dù tất cả đều muốn chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 18 tháng qua, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.

Một trong những sự thay đổi có thể kể đến là Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc từng không tham gia các vòng đàm phán hòa bình ở Copenhagen, Đan Mạch; đồng thời không lên án chiến dịch quân sự của Nga như các nước phương Tây.

Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc xuất hiện ở hội nghị lần này báo hiệu sự thay đổi có thể xảy ra trong lập trường của Bắc Kinh, dù thay đổi này sẽ không lớn.