40 mùa xuân trôi qua, lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch trong bức thư gửi cán bộ ngành y vẫn vang vọng, là kim chỉ nam rọi từng bước đi cho đội ngũ cán bộ ngành y tế dù trong gian khó hay những lúc vinh quang.
“Khoa học – dân tộc và đại chúng”, đội ngũ cán bộ ngành quyết tâm thực hiện lời dặn dò của Bác thúc đẩy nền y học nước nhà ngày càng phát triển theo thời gian…Và giờ đây, chúng ta hoàn toàn tự tin khẳng định rằng, y tế TPHCM xứng đáng ở vị trí đầu tàu với biết bao thành tựu, mang lại sự kỳ diệu cho cuộc sống từ bàn tay tài hoa của người bác sĩ.
Kỳ diệu tách đôi song sinh Việt - Đức
"Má Phượng là người thầy, người mẹ đã nâng đỡ và tạo cho mình có một con đường tốt trong sự nghiệp và kinh nghiệm quý báu về cái gọi là "lương y như từ mẫu" để mình chăm sóc bệnh nhân tốt hơn" - Đó là những lời tri ân của chàng thanh niên Nguyễn Đức dành cho Anh hùng lao động - Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ… người mà Đức luôn gọi trìu mến "Má Phượng". Trong cuộc đời của mình, ngoài người mẹ đã ban cho anh hình hài thì không thể vắng bóng hình ảnh của má Phượng, người đã tái sinh anh thêm một lần nữa. Cậu bé 6 tuổi dính chặt với người anh - tên Việt - ngày ấy giờ là một thanh niên chững chạc, sống hạnh phúc với người vợ hiền và 2 thiên thần nhỏ.
Với trình độ y khoa lúc bấy giờ, những tưởng tương lai khép chặt với hai cậu bé Việt - Đức, nhưng bằng nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ bệnh viện Từ Dũ, phép màu đã thành hiện thực.Trong những ngày tháng tư rực nắng, gặp GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ngồi hàng giờ trò chuyện với bà, ký ức ca mổ ấy vẫn như mới hôm nào……
...... Ngày ấy, tháng 10/1988, một ca mổ kéo dài 16 tiếng, được ghi vào sách kỷ lục Guinness, một ê-kíp lên đến 72 y bác sĩ gồm những người giỏi nhất đã được huy động từ nhiều bệnh viện khác nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử truyền hình VN, có một ca mổ được trực tiếp trên sóng đài truyền hình TPHCM cho người dân tận mắt chứng kiến điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng vào thời đó. Bác sĩ Phượng nhớ lại: "Năm 1988, bệnh viện báo cáo lên bác sĩ Dương Quang Trung, Bác Trung xin ý kiến lãnh đạo thành phố - lúc ấy là bác Nguyễn Văn Linh, rồi sau đó cử cô qua Nhật để họ viện trợ thuốc men, trang thiết bị. Quả thật sống trong giai đoạn đó rất hay, TP rất nhạy, giờ mổ cho truyền hình trực tiếp, người ta thấy, rất xúc động, họ tới rần rần, người đem giỏ cam, giỏ hột gà, người đem gà, đem gạo, người đem sữa, đồ ăn, có người cho tiền nữa. Mỗi ngày hàng trăm đoàn như thế cứ kéo tới bệnh viện. Đó là lần đầu tiên TP có kinh nghiệm trong vận động quần chúng".
![]() |
GS- BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (giữa) thăm cặp song sinh Việt - Đức bị dính liền nhau do di chứng da cam/dioxin tại Bệnh viện Hội Chữ Thập Đỏ, Tokyo, Nhật Bản, năm 1986 - Ảnh: TTXVN. |
40 năm phát triển của ngành y tế TPHCM, phải nói việc tách thành công cặp song sinh Việt - Đức là "bàn đạp" để ngành y tế tự tin vững bước đi lên như nhận xét của BS Phượng: "Bác sĩ Dương Quang Trung là người có tâm và tầm nhìn rất xa, ca phẫu thuật Việt - Đức là bàn đạp để năm 1990, ông mời bác sĩ người Pháp qua gặp gỡ rồi xúc tiến thành lập Viện Tim giúp trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh. Sau đó, bác sĩ Dương Quang Trung cũng tự tin hơn trong vận động ủng hộ cho các chương trình sau".
Làm nên kỳ tích ấy là nhờ sự đồng thuận, giúp sức hết lòng của lãnh đạo TP thời ấy, cộng với sự kiên định, tin tưởng vào đội ngũ y bác sỹ của cố Viện sĩ Dương Quang Trung. Tất cả là động lực để bác sĩ Ngọc Phượng mạnh dạn làm cầu nối, tìm kiếm, gắn kết mọi nguồn lực để ca mổ được tiến hành và đi vào lịch sử ngành y VN. Dấu ấn lớn nhất theo bác sĩ Ngọc Phượng là ca mổ đã tạo nên sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa tình của người Sài Gòn…
Ươm giống cho đời từ ống nghiệm
Nhưng điều thần kỳ không chỉ nằm ở ca mổ tách rời song sinh Việt - Đức mà còn ở những ca phẫu thuật ươm mầm sự sống từ những hạt giống không thể phát triển thành cây đời. Bệnh viện Từ Dũ một lần nữa tiên phong mang niềm vui, hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Trong câu chuyện dài về hành trình làm nghề của mình, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn trăn trở với những câu chuyện buồn thường nghe từ những phụ nữ hiếm muộn: những cuộc hôn hôn nhân chông chênh luôn trên bờ vực gãy đổ. Đó là sự mất mát, tổn thương về tình cảm, sự cô đơn quạnh quẽ, đi về lẻ bóng... bởi miệng lưỡi thế gian "hoa độc không kết trái". Chính vì thế, từ những năm đầu của thập niên 80, vấn đề làm sao cho những người phụ nữ ấy có con luôn là trăn trở đến mức ám ảnh bác sĩ Ngọc Phượng, dù thời đó, nhiệm vụ mà bà được giao lại là... thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Điều đó đã thôi thúc bà quyết tâm đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về VN.
Bà nhớ lại, để thực hiện những ca thụ tinh trong ống nghiệm để đời vào thời ấy là chuyện không hề dễ. Không ít lần bà rơi nước mắt vì mệt mỏi, vì cảm thấy đơn độc và những nghi ngại đổ dồn lên vai bà. "Không thể diễn tả bằng lời được. Điều mình ấp ủ, mơ ước chuẩn bị lo lắng, dốc hết sức cả tâm trí tất tần tật, mình đã nhìn thấy bao nỗi khổ đến khi người ta có thai đã mừng lắm rồi, nhưng mà khi mổ đem được đứa con người ta ra, lần đầu tiên 3 đứa một lúc ! Thiệt sự là không thể nói cái vui lúc đó như thế nào".
Vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, vào ngày 30/4 cách đây 17 năm, ba em bé thụ tinh đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là: Mai Quốc Bảo, Lương Tuyết Trân, Phạm Trần Lan Thi .... đã xua tan mọi hoài nghi của những người trong giới lẫn dư luận xã hội. Ba cô cậu bây giờ là những học sinh cấp 3 vui vẻ, hoạt bát, thông minh. Các em chính là hạnh phúc tưởng chừng như chẳng bao giờ với tới của cha mẹ.
Với những người được làm cha làm mẹ bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản lúc đó đối với họ là khá mới mẻ. Có người còn bán tín bán nghi vì làm sao có được những đứa con bằng cái cách mà họ chưa nghe đến bao giờ. Dẫu vậy, họ vẫn níu lấy tia hy vọng mong manh xem như cứu cánh cuối cùng và hạnh phúc đã nở hoa vào ngày đúng ngày cả nước kỷ niệm miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.
Trong hành trình một đời gắn bó với chị em phụ nữ, làm công việc của một người thầy thuốc chân chính, chúng ta không thể quên bóng dáng thầm lặng của một người phụ nữ vô cùng quyết đoán, dũng cảm nhưng cũng rất mực nhân hậu, gần gũi và giản dị - đó là Anh hùng lao động, Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Người mà trong suốt chặng đường 40 năm, tạo nên những nốt thăng trong quá trình phát triển của ngành y TPHCM.