Rau tần ô vốn được sử dụng rộng rãi trong các món ăn, hơn thế loại rau này còn mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
1. Rau tần ô là rau gì?
Rau tần ô (hay còn gọi là rau cải cúc, rau cúc, rau đồng cao, cúc tần ô) có tên khoa học là Glebionis coronaria, thuộc họ Cúc.
Tần ô sống quanh năm, thân có thể cao tới 1.2 mét, lá ôm vào thân, xẻ thành hình lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều. Hoa mọc ở nách lá, bông hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu vàng lục, mùi thơm.
Rau tần ô có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và khu vực Đông Á. Ngày nay được trồng phổ biến nhiều nơi với mục đích chính là sử dụng trong nấu ăn và chữa bệnh.
2. Tác dụng của rau tần ô đối với sức khỏe
Rau tần ô được đánh giá là một trong những loại rau rất giàu khoáng chất và vitamin. Ngoài ra, trong rau tần ô cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa khác nhau có thể mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe như:
2.1 Hỗ trợ giảm cân
Một trong những tác dụng của rau tần ô là có thể giúp hỗ trợ giảm cân. Trong rau tần ô có chứa axit chlorogenic giúp làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu sau bữa ăn nên có thể giúp giảm cân.
Ngoài ra, hàm lượng calo trong rau tần ô thấp, ít chất béo nhưng lại giàu chất xơ, chính vì thế ăn rau tần ô có thể giúp làm bạn no lâu, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
2.2 Ngăn ngừa các vấn đề tim mạch
Rau tần ô là một nguồn cung cấp kali dồi dào cho cơ thể. Kali một một trong chất thiết yếu có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ, tăng huyết áp cũng như các vấn đề tim mạch khác.
2.3 Ổn định cảm xúc, giúp an thần
Rau tần ô chứa các axit amin, glyxin, alanin, glutamic, threonin, aspartat, prolin và rất nhiều vitamin nên có tác dụng tốt đối với những người có tâm trọng lo lắng. Ăn rau tần ô thường xuyên là một trong những cách giúp bạn ổn định cảm xúc, bảo vệ não cũng như phòng ngừa chứng mất trí nhớ, hay quên.
2.4 Tốt cho hệ tiêu hóa
Nhờ có hàm lượng chất xơ dồi dào nên ăn rau tần ô có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, đào thải các chất độc hại ra khỏi đường ruột. Đồng thời, ăn rau tần cũng giúp phòng ngừa chứng táo bón và hỗ trợ các hoạt động hệ tiêu hóa nói chung.
2.5 Giúp lợi tiểu
Một công dụng khác của rau tần ô cũng được ghi nhận là chúng có thể giúp tiêu sưng và lợi tiểu. Trong rau tần ô chứa nhiều axit amin, chất béo, protein và các khoáng chất natri, kali, có thể giúp điều hòa quá trình trao đổi chất, giảm phù nề và lợi tiểu.
2.6 Giàu chất chống oxy hóa
Rau tần ô chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể như axit chlorogenic, flavonoid, và carotenoid. Đây đều là những chất quan trọng trong việc giúp tiêu diệt các gốc tự do có hại cho cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý tim mạch, ung thư và nhiều căn bệnh mãn tính khác.
Đặc biệt, hàm lượng vitamin A (dưới dạng caroten) trong rau tần ô có thể có liên quan để việc giảm nguy cơ ung thư phổi theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á – Thái Bình Dương năm 2007.
Xem thêm: Ngoài việc giúp sáng mắt, vitamin A còn vô vàn lợi ích khác cho sức khỏe
3. Rau tần ô có tác dụng gì trong y học cổ truyền?
Bên cạnh các nghiên y học hiện đại, rau tần ô cũng được nghiên cứu trong y học ổ truyền. Theo Đông y, rau tần ô có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hóa, trừ đờm, tán phong nhiệt.
Ngoài ra, rau tần ô cũng được dân gian sử dụng như một vị thuốc giúp phòng và điều trị nhiều bệnh lý. Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng rau tần ô theo kinh nghiệm dân gian:
3.1 Trị đau mắt
Dùng rau tần ô rửa sạch, hơ nóng rồi chườm lên mắt (hoặc cho vào vải nóng chườm) sẽ có tác dụng trị đau mắt rất hiệu quả.
3.2 Trị đau đầu kinh niên
Đối với những người bị đau đầu kinh niên, hãy lấy một ít tần ô đem nấu lấy nước, mỗi ngày dùng độ 30g nước đã nấu này. Dùng thêm rau tần ô nóng chườm đắp lên đỉnh đầu và hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ (hoặc mỗi khi thấy nhức đầu) sẽ giúp giảm đau đầu, trị đau đầu kinh niên hiệu quả.
Tần ô nấu lấy nước nên được phơi trước khi sử dụng. Lưu ý, khi phơi rau tần ô thì nhớ phải chọn các cây già, tốt hơn hết là giữ cả phần rễ cây. Những rau tần ô có hoa thì càng quý vì khi phơi sẽ để được lâu hơn.
3.3 Bổ tỳ, trị hoa mắt, lợi tiểu
Lấy 200g tần ô, một con cá diếc độ 1/2 kg, một ít rượu, dầu ăn, và các gia vị vừa đủ. Cá diếc làm sạch, bỏ vảy, đem rán vàng, rồi cho rượu vào đảo qua, cho gừng, nước vào tiếp, nấu với lửa nhỏ cho cá chín thì cho tần ô vào và nấu đến sôi lại, nêm nếm gia vị. Ăn trong 10 ngày là một liệu trình.
3.4 Chữa tiêu chảy
Nếu đi ngoài lỏng hoặc tiêu chảy, thì dùng 200g tần ô nấu canh ăn để giúp làm ôn ấm tỳ vị. Ăn liên tục 3 – 5 ngày.
3.5 Chữa ho ở người lớn do lạnh
Rau tần ô 100 – 150g, phổi lợn 200g thái thành miếng, dùng nấu thành canh ăn cả cái lẫn nước cùng bữa cơm, ăn trong 3 – 4 ngày là 1 liệu trình. Kiên trì thực hiện sẽ nhanh chóng thoát khỏi những cơn ho khó chịu, dai dẳng.
3.6 Giải cảm
Dùng rau tần ô tươi 150g rửa sạch cho ráo nước, sau đó cho vào bát to, đổ cháo đang sôi lên trên để 5-10 phút cho đỡ nóng thì trộn rau lên ăn, ngày ăn 2-3 lần. Bài thuốc này vừa đơn giản lại có tác dụng giải cảm nhanh.
3.7 Hạ huyết áp
Tác dụng của rau tần ô tốt cho người bị bệnh tăng huyết áp. Trong rau cải cúc có chứa những chất kiềm mật có tác dụng hạ huyết áp, bổ não, những chất xơ thô tốt cho tiêu hóa, thông tiện và giảm cholesterol.
4. Bà bầu ăn rau tần ô có được không?
Rau tần ô được xem là một trong những loại rau mà mẹ bầu nên thêm vào chế độ dinh dưỡng khi mang thai của mình. Với thành phần dưỡng chất đa dạng, bà bầu ăn rau tần ô có thể giúp:
- Làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh thai nhi
- Hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của bé yêu trong bụng
- Tăng khẩu vị cho mẹ bầu
- Giảm nguy cơ táo bón thai kỳ
- Nâng cao sức khỏe tinh thần, giảm lo lắng, stress, căng thẳng...
Xem thêm: 5 lợi ích sức khỏe giúp mẹ bầu giải tỏa băn khoăn 'bà bầu ăn rau tần ô được không?'
5. Tác hại của rau tần ô khi sử dụng sai cách
Vừa là loại rau giàu chất dinh dưỡng mà tác dụng của rau tần ô cũng giúp trị nhiều bệnh nhưng việc ăn quá nhiều rau tần ô và sử dụng không đúng cách sẽ gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: đau bụng và dị ứng.
Ngoài ra, một số đối tượng sau đây cũng cần hạn chế hoặc tránh sử dụng rau tần ô:
- Người đang mắc bệnh tiêu chảy nên không ăn vì sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng.
- Người có thể trạng tính hàn, lạnh bụng thì hạn chế ăn rau tần ô.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không nên dùng rau tần ô hấp mật ong để trị ho.
6. Rau tần ô nấu gì ngon?
Tác dụng rau tần ô không chỉ giúp chữa bệnh mà loại rau này còn là món rau được ưa chuộng vì rất dễ ăn, dễ chế biến, có thể ăn sống hoặc nấu các món canh ngon mát.
6.1 Canh rau tần ô
Nguyên liệu
- Rau tần ô: 300g
- Thịt heo: 100g
- Hành tím
- Gia vị thông dụng
Cách nấu canh rau tần ô
- Thịt heo mua về rửa sạch, sau đó đem đi băm nhuyễn.
- Rau tần ô lặt lấy những cọng non, rửa sạch dưới vòi nước, sau đó để ráo, cắt thành từng khúc vừa ăn.
- Hành tím lột vỏ, cắt lát.
- Cho thịt heo vào trong một cái chén cùng với một ít muối, đường, hạt nêm, bột ngọt và tiêu. Trộn đều lên cho thịt thấm gia vị, rồi ướp trong 10 phút.
- Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn và hành tím vào nồi, phi lên cho vàng thơm. Sau đó cho thịt heo đã ướp thấm vị vào, đảo đều cho thịt săn lại, khi nước sôi lên thì vớt bỏ bọt. Sau đó cho rau tần ô vào, đun ở lửa lớn đến khi tần ô chín thì nêm nếm với gia vị cho vừa ăn, sau đó tắt bếp.
- Múc canh ra tô, rắc lên một ít tiêu xay là hoàn thành.
6.2 Rau tần ô xào tỏi
Nguyên liệu
- Rau tần ô: 400g
- Tỏi: 20g
- Gia vị thông dụng
Cách làm rau tần ô xào tỏi
- Tỏi lột vỏ, băm nhỏ.
- Rau tần ô bỏ lá già úa, lấy những cọng non đem rửa sạch. Sau đó cắt thành khúc vừa ăn.
- Bắc nồi nước lên bếp, đợi nước sôi cho rau tần ô vào trụng sơ nước sôi, rồi vớt ra.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào đợi dầu nóng thì phi tỏi thơm. Sau đó, cho rau tần ô vào xào, tiến hành nêm gia vị vừa ăn, đảo đều thêm 2 – 3 phút thì tắt bếp, cho món ăn ra đĩa và thường thức cùng cơm nóng.
6.3 Rau tần ô trộn dầu giấm
Nguyên liệu
- Rau tần ô: 500g
- Trứng gà luộc chín: 1 quả
- Cà chua: 200g
- Thịt bò: 200g
- Hành tây, hành tím, tỏi
- Ngò, ớt
- Gia vị thông dụng
Cách làm rau tần ô trộn dầu giấm
- Rau tần ô mua về lặt lấy cọng non, rửa sạch, cắt thành khúc vừa ăn rồi để ráo.
- Thịt bò cắt miếng mỏng, ướp với tỏi, tiêu, bột ngọt, xì dầu trong khoảng 10 phút. Sau đó đem thịt bò xào chín.
- Hành tây bào mỏng, ngâm giấm đường. Sau khoảng 10 phút thì vớt ra để ráo nước.
- Cà chua rửa sạch, cắt thành khoanh mỏng trộn giấm đường khoảng 10 phút thì vớt ra để ráo nước.
- Trứng gà luộc chín thì cắt làm 8 hoặc xắt khoanh tròn.
- Hành và tỏi lột vỏ, băm nhỏ, đem đi phi vàng.
- Cho rau tần ô vào tô trộn với giấm và đường theo khẩu vị cho phần hành và tỏi đã phi vàng vào và trộn đều.
- Cuối cùng, xếp hành tây xung quanh đĩa, để rau, cho thịt bò xếp trứng thành hình vuông, cho ớt và ngò vào chính giữa là hoàn thành món ăn này.
7. Dinh dưỡng trong rau tần ô
Như đã nói, rau tần có hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và đa dạng. Người ta ghi nhận trong 100g rau tần ô có chứa một số hàm lượng các dưỡng chất sau đây:
- Nước: 93.8 g
- Năng lượng: 14 Kcal
- Chất đạm: 1.6 g
- Chất đường bột: 1.9 g
- Chất xơ: 2 g
- Canxi: 63 mg
- Sắt: 0.8 mg
- Magie: 32 mg
- Phot pho: 38 mg
- Kali: 219 mg
- Natri: 33 mg
- Kẽm: 0.67 mg
- Đồng: 180 µg
- Selen: 0.3 µg
- Vitamin C: 27 mg
- Vitamin B1: 0.01 mg
- Vitamin B2: 0.03 mg
- Vitamin PP: 0.2 mg
- Vitamin B5: 0.221 mg
- Vitamin B6: 0.173 mg
- Beta-caroten: 1115 µg
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của rau tần ô, từ đó bạn có thể kết hợp rau tần ô với các thực phẩm khác nhau để chữa bệnh cho mình và người thân.