Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những tác dụng của ngải cứu đối với sức khỏe khiến nhiều người tin dùng

(VOH) – Ngải cứu ngoài việc được sử dụng như một loại rau ăn thì chúng còn có những công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hết những tác dụng của ngải cứu đối với sức khỏe.

Ngải cứu được dân ta gọi với cái tên thân thuộc là cây thuốc cứu, vì nó là vị thuốc cứu được nhiều loại bệnh thông thường. Bên cạnh đó, ngải cứu còn được sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày.

1. Ngải cứu là gì?

Ngải cứu là loại cây trồng khá quen thuộc với người dân Việt Nam và chúng cũng thường xuất hiện nhiều ở các nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Ngải cứu thuộc họ Cúc, có tên khoa học là Artemisia vulgaris. Một số tên gọi khác của ngải cứu là: ngải diệp, thuốc cứu...

Cây ngải cứu có chiều cao từ 0.4 - 1m, trong lá có tinh dầu. Mặc dù là loại rau ăn phổ biến nhưng không phải khu vực nào cũng sử dụng cây ngải cứu. Một số vùng cho rằng cây ngải cứu là cây cỏ xâm lấn, cần phải diệt trừ. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn dùng trong nấu ăn hoặc điều trị một số bệnh lý đơn giản. 

2. Rau ngải cứu có tác dụng gì?

Trong y học hiện đại, ngải cứu thường được dùng dưới dạng chiết xuất hoặc trà. Dầu ngải cứu được làm từ thân và lá, trong khi chiết xuất hoặc cồn có thể sử dụng toàn bộ cây.

tac-dung-cua-ngai-cuu-voh-0
Ngải cứu có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người (Nguồn: Internet)

Trong rau ngải cứu chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, đáng chú ý nhất phải kể đến hợp chất thực vật có tên là thuione, đây là một thành phần hoạt chất chính trong rau ngải cứu, có thể mang đến lợi ích sức khỏe nhưng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng quá mức.

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe từ rau ngải cứu:

2.1 Có tính kháng sinh

Một trong những tác dụng của ngải cứu là có thể ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn như:

  • Staphylococcus: loại vi khuẩn gây mụn nhọt, đinh râu…đây là loại vi khuẩn nguy hiểm, bởi vì khi bị đinh râu, mụn nhọt… trên mặt mà người bệnh nặn, cạo không đúng cách, vi khuẩn Staphylococcus có thể gây liệt mặt hoặc nhiễm trùng huyết, nguy hiểm cho tính mạng.
  • Streptococcus: loại vi khuẩn gây viêm họng, viêm khớp…, 
  • Nhóm Salmonella typhi và Salmonella paratyphi thường gây viêm ruột, đại tràng…

2.2 Làm dịu cơn đau

Ngải cứu có thể có đặc tính giảm cơn đau và chống viêm. Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 90 người lớn bị thoái hóa khớp gối, bôi thuốc mỡ bôi da 3% ngải cứu 3 lần mỗi ngày đã giúp cải thiện cả mức độ đau và chức năng thể chất. (1)

2.3 Chống oxy hóa

Ngoài thujone, trong ngải cứu còn chứa chamazulene. Đây là một chất hoạt động như một chất chống oxy hóa và tập trung nhiều nhất trong các loại tinh dầu của rau ngải cứu.

Chất chống oxy hóa chamazulene có thể chống lại stress oxy hóa trong cơ thể, có liên quan đến bệnh ung thư, bệnh tim, alzheimer và một số bệnh khác. (2) (3) (4)

2.4 Chống lại chứng viêm

Rau ngải cứu có tác dụng chống lại chứng viêm do có chứa artemisinin - một hợp chất thực vật. Artemisinin được cho là có khả năng ức chế cytokine, là những protein do hệ thống miễn dịch của bạn tiết ra để thúc đẩy quá trình viêm (5) Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy rằng ngải cứu có thể giúp làm giảm bệnh Crohn. (6)

3. Tác dụng của ngải cứu theo Đông y

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), ngải cứu cũng được sử dụng một cây thuốc chữa bệnh trong Đông y.

Ngải cứu có vị cay; tính ấm, đắng; quy kinh can, kinh tỳ và kinh thận. Nó có tác dụng ôn ấm tử cung, cầm máu, an thai, giảm đau, hỗ trợ lưu thông máu lên não, chữa cảm cúm, đau họng, đau đầuviêm phế quản gây ho.

tac-dung-cua-ngai-cuu-voh-1
Dân gian thường sử dụng lá và cành của ngải cứu để làm thuốc chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Trong dân gian, người ta thường sử dụng lá và cành của ngải cứu, ít khi dùng thân hoặc rễ của nó. Một số cách sử dụng ngải cứu để chữa bệnh, cụ thể là:

3.1. Tống sản dịch cho phụ nữ sau sinh

Dùng ngải cứu, giã nát rồi vắt lấy nước uống. Uống nước ngải cứu sẽ giúp sản dịch sau sinh được tống ra ngoài nhanh hơn, đồng thời tránh tắc tia sữa, giúp trẻ sơ sinh bú sữa mẹ dễ dàng hơn. 

3.2. Giúp hoạt huyết

Chỉ cần dùng ngải cứu xào với trứng và ăn như một món ăn bình thường. Món ăn này có tác dụng hoạt huyết rất tốt.

3.3. Giảm đau khớp

Dùng ngải cứu tươi xào chung với gừng hoặc một số thực phẩm có tinh dầu. Sau đó, bỏ chúng vào các khớp đang bị đau nhức. Thực hiện cách này sau một thời gian sẽ giảm đau rõ rệt.

Bác sĩ Bay cho biết, có nhiều cách dùng ngải cứu để trị bệnh, bạn có thể dùng ngải cứu dạng tươi hoặc khô để sắc nước uống đều được. Với các loại ngải cứu sấy thật khô người ta sẽ quấn thành các điếu ngải để sử dụng trong châm cứu.

4. Bà bầu ăn ngải cứu có được không?

Ngải cứu vốn không được không được khuyến khích sử dụng trong thai kỳ để có thể đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Tuy nhiên, nếu bà bầu muốn ăn ngải cứu thì sau giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng dùng hợp lý và cách ăn an toàn.

Xem thêm: Bà bầu ăn ngải cứu vì sao lại không tốt cho thai kỳ?

5. Ngải cứu làm món gì ngon?

Vốn là loại rau ăn cực kỳ phổ biến trong các bữa ăn gia đình Việt, bạn có thể sử dụng để ăn sống, hoặc có thể chế biến ngải cứu thành những món ăn bổ dưỡng, ngon miệng.

tac-dung-cua-ngai-cuu-voh-2
Ngải cứu là nguyên liệu phổ biến của nhiều món ăn (Nguồn: Internet)

Một số món ăn tốt cho sức khỏe từ rau ngải cứu có thể kể đến như:

  • Trứng chiên ngải cứu
  • Gà ác hầm ngải cứu
  • Gà hấp ngải cứu
  • Cá chép hấp ngải cứu
  • Chân giò hầm ngải cứu
  • Canh ngải cứu nấu trứng

Xem thêm: Rau ngải cứu nấu món gì? Cập nhật ngay 7 món ăn vừa ngon, vừa bổ

6. Ăn nhiều ngải cứu có tốt không?

Ngải cứu có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên nếu dùng ngải cứu quá nhiều bạn có thể gặp phải tác dụng phụ. Sử dụng nhiều rau ngải cứu có thể gây ngộ độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ hoặc co giật. Trường hợp nặng sẽ đến co cứng, nói nhảm, thậm chí tê liệt, có tổn thương ở tế bào não… và di chứng để lại là hay quên, ảo giác, viêm thần kinh…

Do đó, theo các chuyên gia, người bình thường chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần/tuần. Đối với người không có bệnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số đối tượng không nên sử dụng rau ngải cứu đó là:

  • Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ: Phụ nữ đang cho con bú và trẻ em nên tránh loại thảo mộc này do thiếu thông tin an toàn.
  • Người bệnh động kinh: Thujone trong ngải cứu có thể kích thích não bộ và gây ra các cơn co giật. Ngoài ra, ngải cứu cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc chống co giật thông thường.
  • Người có bệnh tim: Dùng ngải cứu này với thuốc điều trị bệnh tim warfarin có thể gây chảy máu đường ruột.
  • Người có vấn đề về thận: Rau ngải cứu độc hại cho thận và có thể làm tăng nguy cơ suy thận.
  • Gây dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với các “thành viên” thuộc họ Cúc, chẳng hạn như cỏ phấn hương và cúc vạn thọ, bạn cũng có thể phản ứng với cây ngải cứu, bởi chúng cùng thuộc cùng một họ.

Như vậy, ngải cứu vừa là một loại rau ăn vừa là vị thuốc chữa được nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, phát huy tối đa các tác dụng của ngải cứu thì bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng. 

Bình luận