Cùng với nhóm ngũ cốc, hạt chia được khá nhiều người yêu thích bởi chúng chứa nhiều năng lượng và các khoáng chất như omega-3, sắt, canxi... Chính vì thế, sử dụng hạt chia mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế bạn vẫn có thể gặp phải tác hại của hạt chia nếu sử dụng sai cách.
1. Tác hại của hạt chia khi dùng quá nhiều
Một số người có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ của hạt chia khi sử dụng quá nhiều. Những tác hại này có thể bao gồm các vấn đề về tiêu hóa, phản ứng dị ứng hay gây ra tương tác với một số loại thuốc...
Dưới đây là những tác dụng phụ và rủi ro của việc tiêu thụ hạt chia quá nhiều:
1.1 Gây ra các vấn đề về tiêu hóa
Một trong những tác hại của hạt chia thường gặp nhất là nó có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa khi bạn ăn hoặc uống quá nhiều.
Hạt chia chứa nhiều chất xơ (khoảng 11g chất xơ cho mỗi khẩu phần ăn 28g), trong đó có đến 50% là chất xơ không hòa tan. Chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể gây đau bụng, táo bón và đầy hơi.
Ngoài ra, trong quá trình ngâm nếu hạt chia chưa ngậm đủ nước, khi đi vào cơ thể sẽ bắt đầu trương ra và gây khó chịu. Khi gặp tình trạng này, bạn nên uống nhiều nước lọc để giảm bớt khó chịu. Nước cũng là một yếu tố cần thiết để giúp chất xơ di chuyển dễ dàng hơn trong hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh crohn hoặc hội chứng ruột kích thích cũng cần hạn chế trong việc dùng hạt chia.
1.2 Làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Do trong hạt chia có chứa một lượng axit alpha-linolenic ( ALA ), đây là một loại axit béo omega-3 được tìm thấy nhiều trong thực vật. Loại axit béo này thường có trong chế độ ăn chay trường, giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch và chức năng nhận thức.
Một nghiên cứu cho thấy ALA và bệnh ung thư tuyến tiền liệt có mối liên quan với nhau. Khi nồng độ ALA trong máu cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những người có nồng độ thấp. Tuy nhiên tác hại này vẫn cần được nghiên cứu thêm vì loại axit béo ALA này cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
1.3 Có thể gây nguy cơ ngẹt thở
Hạt chia an toàn và có nhiều công dụng, nhưng loại hạt này cũng có thể khiến ban phải đối mặt với một tình huống khó chịu, đó là mắc nghẹn.
Hạt chia có khả năng hấp thụ nước rất lớn và khi gặp nước chúng sẽ thay đổi kích thước rất nhanh. Do đó, nếu bạn không ngâm hạt chia trước khi ăn, sự tiếp xúc với nước bọt và các dịch ở khoang miệng sẽ khiến hạt chia nở ra và gây tắc nghẽn, làm tăng nguy cơ mắc nghẹn.
1.4 Tương tác với một số loại thuốc
Hạt chia có thể gây ra tương tác với một số loại thuốc nhất định, điển hình nhất là thuốc điều trị bệnh tiểu đường và huyết áp.
Thuốc chữa bệnh tiểu đường
Ăn hạt chia có thể giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, bởi thành phần chất xơ trọng hạt chia có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường và làm giảm lượng đường trong máu.
Do đó, trong một vài trường hợp ăn một lượng hạt chia vừa phải có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều hạt chia có thể khiến lượng đường trong máu giảm và điều đó sẽ khiến bạn cần phải điều chỉnh lượng thuốc điều trị tiểu đường.
Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn
Thuốc chữa huyết áp
Ngoài tác dụng giảm lượng đường trong máu, hạt chia còn có tác dụng làm giảm huyết áp. Lượng axit béo omega-3 trong hạt chia đã được chứng minh là có tác dụng làm loãng máu và có thể làm giảm huyết áp (1).
Do đó, những người đang điều trị bệnh cao huyết áp nên tiết chế khẩu phần ăn có hạt chia để tránh tương tác thuốc.
1.5 Tác hại của hạt chia gây dị ứng khi uống sai cách
Tuy không phổ biến nhưng một số người có thể gặp phải phản ứng dị ứng sau khi ăn hạt chia.
Các triệu chứng dị ứng thường gặp là: nôn mửa, tiêu chảy, ngứa môi hoặc lưỡi. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ với các biểu hiện khó thở, tức ở cổ họng và ngực. Vì thế, nếu bạn lần đầu ăn hạt chia và gặp bất kỳ triệu chứng nào của dị ứng thực phẩm, hãy ngừng sử dụng ngay và tham khảo thêm kiến bác sĩ.
2. Ai không nên ăn hạt chia
Mặc dù ăn hạt chia tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn hoặc uống loại hạt này. Dưới đây là một số đối tượng không nên hoặc hạn chế dùng hạt chia:
- Người có huyết áp thấp.
- Mắc chứng đột quỵ.
- Có vấn đề về rối loạn tiêu hóa.
- Đang dùng thuốc loãng máu, huyết áp.
- Người bị dị ứng với hạt vừng, bạc hà, mù tạt.
3. Uống hạt chia như thế nào là đúng cách?
Để tránh các tác hại của hạt chia thì mỗi ngày, bạn chỉ nên tiêu thụ hạt chia ở một lượng vừa phải. Tùy theo độ tuổi mà lượng dùng hạt chia được khuyến nghị như sau:
- Trẻ em: 10g/ngày
- Người lớn: 15g/ ngày
- Phụ nữ mang thai: 20g/ ngày và nên chia nhỏ lượng hạt chia khi dùng để tránh táo bón
- Vận động viên, lao động nặng nhọc: 25 – 30g/ngày
Với tổng lượng hạt chia trên, bạn có thể chia nhỏ để sử dụng nhiều lần trong ngày, không nhất thiết cùng lúc tiêu thụ hết số lượng hạt chia.
Ngoài ra nhiều người thường ăn hạt chia khô rồi sau đó mới uống nước lọc, cách uống này là phản khoa học và sai cách gây ảnh hưởng sức khỏe.
4. Nên uống hạt chia với nước lọc
Bạn chỉ nên pha hạt chia với nước lọc để uống, không nên pha bằng nước nóng, vì axit omega-3 có trong hạt chia dễ bị phá hủy khi tác động nhiệt cao. Nếu thích uống nóng, bạn chỉ nên pha hạt chia với nước ấm.
Pha hạt chia với nước lọc bằng cách, cho 1 muỗng cà phê hạt chia vào ly nước lọc rồi khuấy đều, đợi hạt chia nở hoàn toàn thì tiến hành cho thêm đường và uống. Có thể thêm đá hoặc bỏ vào ngăn mát tủ lạnh tùy sở thích.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm hạt chia vào các loại nước ép, nước chanh, sinh tố, trà để thưởng thức. Một số món ăn cũng có thể chế biến cùng hạt chia là salad, bánh mì, súp...
Hạt chia kỵ với các thuốc tiểu đường, huyết áp nên khi uống cần phải cẩn thận.
Nhìn chung, hạt chia có thể gây ra tác dụng phụ ở những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, dị ứng hoặc các vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, những lợi ích mà hạt chia mang lại vô cùng to lớn. Do đó, chủ yếu vẫn là sử dụng với liều lượng an toàn, phù hợp để tránh gặp phải những tác hại của hạt chia.