Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết: “Có thể tôi sẽ giảm một chút thuế quan hoặc làm gì đó để hoàn thành việc này”. Đây được xem là động thái mềm dẻo nhằm tháo gỡ thế bế tắc hiện tại, trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành đàm phán với bốn nhóm khác nhau quan tâm đến việc mua lại TikTok.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, đã nhiều lần trở thành tâm điểm tranh cãi tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu TikTok phải tách khỏi ByteDance nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 19/1/2025 – chỉ một ngày trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng can thiệp, tạm hoãn thi hành đạo luật trong vòng 2,5 tháng nhằm tạo điều kiện tìm kiếm giải pháp.

Khoảng thời gian gia hạn này sẽ hết hạn vào ngày 5/4 tới. Khi được hỏi liệu có tiếp tục gia hạn thêm nữa hay không, ông Trump để ngỏ khả năng này, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đồng ý với phương án thoái vốn để tránh bị cấm tại thị trường Mỹ.
Trước đó, vào tháng 1/2025, TikTok đã tạm thời rút khỏi thị trường Mỹ và biến mất khỏi các kho ứng dụng như Apple Store và Google Play, khiến hàng triệu người dùng không thể truy cập. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Trump gia hạn thời gian, TikTok đã được khôi phục trở lại vào tháng 2.
Hiện tại, có bốn nhóm đang tham gia cuộc đua mua lại TikTok. Trong đó, đáng chú ý là công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) Perplexity, cùng các “ông lớn” như Microsoft, Oracle và một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội MrBeast (Jimmy Donaldson). Những cái tên này đều được cho là có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để vận hành TikTok nếu thương vụ được thông qua.
Giới phân tích cho rằng việc ông Trump đưa ra đề xuất giảm thuế để đổi lấy thỏa thuận bán TikTok có thể giúp xoa dịu Bắc Kinh, vốn luôn phản đối bất kỳ hành động ép buộc thoái vốn nào liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, điều này cũng cho thấy tầm quan trọng chiến lược của TikTok trong cuộc chơi công nghệ và ảnh hưởng số toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản pháp lý và chính trị cho thương vụ này. Phía Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi chính thức. Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều nghị sĩ vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại về khả năng dữ liệu người dùng rơi vào tay các bên thứ ba, bất kể TikTok có thuộc sở hữu Mỹ hay không.
Với thời hạn chót ngày 5-4 đang đến gần, TikTok một lần nữa đứng trước ngã rẽ sống còn tại thị trường hơn 170 triệu người dùng của mình tại Mỹ.