Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

7 tác dụng của rau ngổ với sức khỏe – ‘diệu dược vàng’ ai cũng ăn qua

(VOH) – Rau ngổ (rau om) là loại rau gia vị phổ biến, không chỉ giúp món ăn thêm thơm ngon, bắt mắt mà tác dụng của rau ngổ với sức khỏe cũng được nhiều y thư ghi nhận.

Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, cùng với rau mùi, hành lá, lá bạc hà,…rau ngổ cũng thuộc danh sách các loại rau thơm góp phần làm trọn vẹn hương vị và tạo nên nét đặc trưng cho rất nhiều món ăn.

1. Rau ngổ là rau gì?

Theo tài liệu Cây rau làm thuốc (Phó.TS Võ Văn Chi - NXB Đồng Tháp), rau ngổ hay còn gọi là ngò ôm, có tên khoa học là Limnophila aromatica, thuộc họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae.

Rau om là loại cây thân thảo mập, giòn, rỗng ruột, có nhiều lông, thường sinh trưởng ở những vùng đầm lầy, vũng lầy, ruộng nước. Lá của cây dạng đơn không cuống, mọc đối (2 lá) hoặc mọc vòng (3 lá), mép lá hơi có răng cưa thưa. Hoa đơn mọc ở nách lá, có cuống dài, màu tím nhạt. Quả nang hình trứng. Toàn cây có mùi thơm.

7-tac-dung-cua-rau-ngo-voi-suc-khoe-dieu-duoc-vang-ai-cung-an-qua-voh-0
Rau ngổ là rau thơm quen thuộc và có rất nhiều tên gọi khác nhau (Nguồn: Internet)

Ngoài tên gọi rau om (rau ngổ) thì loài rau này còn có rất nhiều các tên gọi khác như: ngổ thơm, ngổ om, ngò om, mò om hoặc ngổ diếc. Tuy nhiên, rau om không phải rau ngổ trâu (tên khoa học Enydra fluctuans Lour, họ Cúc) – một loại cây sống nổi hay ngập nước.

2. Tác dụng của rau ngổ với sức khỏe

Trong Đông y, rau ngổ được xếp vào dược liệu có tính mát, vị chua, cay nhẹ và mang một hương thơm rất riêng biệt. Còn với y học hiện đại, các nghiên cứu nhận thấy rằng đây là loại rau xanh “hội tụ” hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid hay terpenoid. Nhờ những đặc tính này mà rau ngổ đem tới khá nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời:  

2.1 Tác dụng của rau ngổ với bệnh sỏi thận

Vốn là loại rau thơm có tính mát nên rau ngổ cũng thường được tận dụng để làm nguyên liệu của các món ăn hoặc bài thuốc giúp lợi tiểu, nhằm tăng bài tiết nước tiểu và chống lắng cặn khoáng chất. Vì thế để giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, bổ sung thêm rau ngổ trong khẩu phần hàng ngày là gợi ý bạn nên tham khảo.

Xem thêm: Hướng dẫn dùng rau om (rau ngổ, ngò om) để trị sỏi thận tại nhà, hiệu quả không ngờ

2.2 Tính kháng khuẩn mạnh

Theo phân tích dinh dưỡng, tinh dầu của lá rau ngổ có chứa một lượng hoạt chất methanol với đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ, giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei – tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người. (1)

2.3 Phòng chống ung thư

Như đã chia sẻ, rau ngổ được xem như một nguồn cung cấp đa dạng các chất chống oxy hóa quý hiếm rất cần thiết cho quá trình ngăn chặn sự tấn công của những gốc tự do tới các tế bào của cơ thể. Chính vì lý do đó, chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến khích chúng ta ăn thêm những loại rau thơm như rau ngổ để chủ động phòng chống các bệnh ung thư. (2)

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.4 Tác dụng của rau ngổ với bệnh khớp

Với hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa và chất kháng khuẩn mạnh, rau ngổ cũng nằm trong danh sách thực phẩm “thân thiện” với nhóm người đang điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Lúc này, để cải thiện bệnh tình, bạn có thể ngâm rửa sạch rau ngổ rồi đem sắc nước uống hoặc giã nhỏ và đắp trực tiếp lên vùng đau nhức.

7-tac-dung-cua-rau-ngo-voi-suc-khoe-dieu-duoc-vang-ai-cung-an-qua-voh-1
Các chất kháng viêm từ rau ngổ rất tốt cho xương khớp (Nguồn: Internet)

2.5 Bảo vệ mạch máu

Một trong những công dụng của rau ngổ không thể quên nhắc tới đó là hỗ trợ bảo vệ và làm bền vững thành mạch máu. Theo đó, các hoạt chất tách chiết từ lá rau ngổ có khả năng giảm lượng chất glutathione, thúc đẩy đông máu và ngăn ngừa tình trạng mất máu, băng huyết sau sinh. (3)

Xem thêm: 5 biểu hiện giúp nhận biết băng huyết sau sinh, các mẹ bầu cần nhớ kỹ

2.6 Cải thiện cơn ho

Giống như rau diếp cá hay lá tía tô,…bạn cũng có thể đem xay nhuyễn rau ngổ rồi đun lấy nước, hòa chút muối để uống khi muốn giảm các cơn ho húng hắng lâu ngày.

2.7 Trị vết độc rắn cắn

Trong các bài thuốc Đông y, rau ngổ là dược liệu hỗ trợ trị vết độc rắn cắn khá hiệu quả. Cụ thể, rau ngổ được ngâm rửa sạch rồi sao vàng đem sắc nước uống hoặc giã nát lấy nước bôi, rửa và dùng bã đắp vào vết thương.

Nhưng lưu ý rằng để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng phương pháp này.

Xem thêm: Đừng bỏ qua: Cách xử lý an toàn khi chẳng may bị rắn cắn

3. Bà bầu ăn rau ngổ (rau om) được không?

Bà bầu ăn rau ngổ được không là một trong số những thắc mắc rất thường gặp ở các chị em phụ nữ khi bước vào giai đoạn thai kì. Thực tế theo khuyến cáo của chuyên gia sức khỏe, bà bầu có thể ăn rau ngổ nhưng không nên ăn sống và không lạm dụng quá nhiều, nhằm hạn chế các rủi ro sức khỏe như tăng nguy cơ sảy thai, bị rối loạn tiêu hóa,…

Xem thêm: Bà bầu ăn rau ngổ được không? Lời giải đáp và lưu ý cho mẹ

4. Rau ngổ nấu món gì?

Dù chỉ là loại rau thơm dân giã với giá thành “rẻ bèo” nhưng đôi khi thiếu đi hương vị của rau ngổ thì rất nhiều món ăn sẽ không còn giữ được “đúng chất”. Dưới đây xin mách nhỏ bạn một vài món ngon dễ nấu ngay tại nhà và nhất định phải “đi kèm” cùng rau ngổ:

4.1 Canh chua cá hú rau ngổ

7-tac-dung-cua-rau-ngo-voi-suc-khoe-dieu-duoc-vang-ai-cung-an-qua-voh-2
Canh chua cá hú rau ngổ thanh mát (Nguồn: Internet)

Không chỉ canh chua cá hú mà nấu canh chua kiểu miền Nam với bất cứ loại cá nào cũng không thể thiếu rau ngổ. Món canh chua thanh mát với vị chua dịu của cà chua, thơm (dứa), rau muống, thêm chút đậu bắp và cả rau ngổ là “đúng bài”.

Xem thêm: Tuyệt chiêu nấu canh chua cá hú thật đơn giản, cả nhà hay ăn mà thỉnh thoảng lại thèm!

4.2 Thịt bò xào rau ngổ (rau om)

7-tac-dung-cua-rau-ngo-voi-suc-khoe-dieu-duoc-vang-ai-cung-an-qua-voh-3
Thịt bò xào rau ngổ đậm đà (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau ngổ: 50 – 100g
  • Thịt bò: 200g
  • Tỏi
  • Hành tím
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, dầu hào (nếu có), hạt tiêu

Cách làm thịt bò xào rau ngổ

  • Lặt rau ngổ, ngắt bỏ phần héo, nhũn thối, sau đó ngâm rửa với nước muối loãng khoảng 15 – 20 phút, vớt ra để ráo và cắt khúc ngắn khoảng 3 – 5 cm.
  • Sơ chế sạch thịt bò, thái lát mỏng để khi xào không bị dai, rồi đem ướp với hành tỏi băm nhỏ và chút gia vị trong 20 phút.
  • Phi thơm hành tỏi băm nhỏ, cho thịt bò vào xào trước, thấy thịt chín se lại thì cho rau ngổ vào, đảo đều khoảng 5 phút, rau ngổ chín mềm thì tắt bếp là có thể dùng.

Xem thêm: Với cách này bạn chỉ cần 'liếc sơ' cũng có thể nhận biết thịt bò thật hay giả

4.3 Bí đỏ xào tỏi rau ngổ (rau om)

7-tac-dung-cua-rau-ngo-voi-suc-khoe-dieu-duoc-vang-ai-cung-an-qua-voh-4
Bí đỏ xào tỏi rau ngổ dẻo mềm, thơm ngon (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau ngổ: 50g
  • Bí đỏ: 500 – 700g
  • Ngò gai (mùi tàu)
  • Tỏi
  • Hành tím
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu

Cách làm bí đỏ xào tỏi rau ngổ

  • Lặt rau ngổ, ngâm rửa sạch với nước muối loãng trong khoảng 20 phút. Ngò gai cũng rửa sạch, để ráo. Sau đó, cắt rau ngổ và ngò gai thành các khúc ngắn.
  • Gọt vỏ bí đỏ, lọc bỏ hạt, rửa qua với nước sạch rồi thái lát mỏng.
  • Phi thơm hành tỏi băm nhỏ, cho bí đỏ vào xào, đảo đều tay nhẹ nhàng tới khi bí chín mềm, nêm nếm gia vị và cho rau ngổ, ngò gai vào.

Xem thêm: Bí đỏ thơm bở, giàu dưỡng chất đem chế biến 12 món ăn này thì ‘ngon hết ý’

4.4 Lươn om rau ngổ (lươn um rau ngổ)

7-tac-dung-cua-rau-ngo-voi-suc-khoe-dieu-duoc-vang-ai-cung-an-qua-voh-5
Lươn um rau ngô béo ngậy (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau ngổ: 100g
  • Lươn: 400g (tùy nhu cầu)
  • Nước cốt dừa: 20ml (khoảng 5 muỗng cà phê)
  • Đậu phộng rang
  • Bột nghệ
  • Hành tím
  • Tỏi
  • Sả
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu

Cách làm lươn om rau ngổ

  • Ngâm rửa rau ngổ với nước muối loãng để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và giun sán, sau đó để ráo nước và cắt khúc dài khoảng 5 – 7cm.
  • Sơ chế sạch lươn bằng giấm ăn hoặc nước muối để sạch nhớt (khuyến khích dùng tro bếp nếu có).
  • Xếp rau ngổ vào đáy nồi, tiếp đến cho lươn vào, rưới nước cốt dừa lên, thêm hành tím, tỏi, sả băm nhỏ, bột nghệ và gia vị vào.
  • Bắc nồi om lươn với lửa nhỏ từ 45 phút – 1 tiếng, không đảo hoặc mở nắp nồi. Trước khi thưởng thức nên rắc đậu phộng rang lên trên.

Xem thêm: Học nấu 12 món ngon từ lươn tuy dân giã nhưng cực kỳ hấp dẫn, ngon cơm

5. Một số lưu ý cần biết khi ăn rau ngổ (rau om)

Có thể nói rau ngổ là loại rau thơm khá bổ dưỡng, song trong quá trình sử dụng để chế biến món ăn và cải thiện sức khỏe, cần lưu ý một vài khuyến cáo sau:

  • Phải ngâm rửa kĩ càng trước khi đem chế biến nhằm giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhiễm sán hoặc dị ứng do lông tơ bám trên thân rau ngổ.
  • Không ăn quá nhiều, mỗi bữa chỉ nên ăn 50 – 100g là tốt nhất.
  • Tuyệt đối không ăn rau ngổ sống, phải đun nấu chín.
  • Hạn chế sử dụng nếu có tiền sử dị ứng với các loại rau thơm.

6. Thành phần dinh dưỡng của rau ngổ (rau om)

Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam - Bộ Y tế (Trang 167) rau om chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Cụ thể là:

  • Nước: 93.3 g
  • Năng lượng: 15 KCal
  • Carbohydrate (đạm): 2.3 g
  • Chất xơ: 2.1 g
  • Canxi: 84 mg
  • Mangan: 1490 mg
  • Đồng: 480 mg
  • Kali: 222 mg
  • Vitamin C: 78 mg
  • Vitamin B1: 0.11 mg
  • Vitamin B2: 0.15 mg
  • Beta-caroten (tiền vitamin A): 2325 µg

Mang hương vị riêng biệt lại giàu dưỡng chất quý giá nên thật khó có thể “thiếu vắng” rau ngổ (rau om) trong căn bếp của người Việt. Hãy lên thực đơn món ngon với rau ngổ để đãi cả nhà ngay nhé, vừa giúp “đổi gió” hương vị, vừa hỗ trợ cải thiện sức khỏe hiệu quả.